Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Chung trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP sáng 11/12.
Hiệu quả trợ giá xe buýt?
Đại biểu Cao Thanh Bình đã yêu cầu giải trình về việc “Trợ giá xe buýt thời gian qua tăng lên nhưng hiệu quả chưa tương xứng, trợ giá nhiều mà chất lượng phục vụ hành khách chưa được như mong đợi”.
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Chung cho rằng, hiệu quả trợ giá xe buýt là đáng ghi nhận. Năm 2002, lượng hành khách chỉ 21,4 triệu lượt thì đến 2013 tăng 374,7 triệu lượt gấp 17,5 lần. Việc nhiều người dân tham gia đi xe buýt đã góp phần giảm mật độ giao thông và nguy cơ gây tai nạn.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động xe buýt thời gian qua còn nhiều hạn chế: xé vé khống, quay vòng vé, thái độ phục vụ của nhân viên chưa hòa nhã gây phiền hà cho hành khách.
Theo ông Chung, lượng hành khách năm 2014 giảm xuống do nguyên nhân các năm trước không kiểm soát được số lượng hành khách bị kê khống để lãnh trợ giá. Năm nay tình trạng này được quản lý chặt chẽ hơn nên con số thống kê phản ánh đúng thực chất...
Một số đại biểu cũng yêu cầu xem xét lại hiệu quả khoản trợ giá quá lớn cho xe buýt. Tuy nhiên, lo lắng xu hướng siết chặt nguồn trợ giá, đại biểu Đỗ Quang Chí phản biện: “Trợ giá xe buýt sao nói không hiệu quả, quá hiệu quả chứ. Học sinh, sinh viên đi học, người lao động nhờ rất nhiều vào xe buýt được trợ giá vé, chi phí thấp. Nếu không được trợ giá, chi phí bỏ ra rất nhiều. Đúng là còn có những tiêu cực, để khắc phục có thể lắp camera để kiểm soát cả hành khách và tài xế, còn trợ giá xe buýt là rất cần”.
Nhà thầu gây ngập, phạt không ăn thua
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú bức xúc: “Nhiều điểm ngập mới phát sinh do quá trình thi công của các chủ đầu tư và nhà thầu gây tắc nghẽn dòng chảy. Vậy Sở GTVT đã có giải pháp nào để chấn chỉnh thực trạng này”? Nhiều đại biểu cũng phản ánh bức xúc của cử tri về tình hình ngập lan rộng ở địa phương.
Ông Chung giải trình, TP bị ảnh hưởng nặng của triều cường, mưa và biến đổi khí hậu dự kiến đến năm 2090 mực nước biển sẽ dâng 2,5m và 1/3 diện tích TP sẽ chịu ảnh hưởng lớn của triều cường.
Thời gian qua, UBND TP đã có kế hoạch thực hiện chương trình chống ngập, tuy nhiên đây là chương trình dài hạn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.
Năm 2011, TP đưa ra chỉ tiêu giải quyết 58 điểm ngập, trong đó có 31 điểm ngập ở trung tâm. Đến năm 2013, theo số liệu báo cáo thì còn 6 điểm ngập. Nhưng đến năm 2014 thì kết quả kiểm tra cho thấy trong số 47 điểm đã được xóa ngập có 33 điểm tái ngập, phát sinh thêm 29 điểm ngập mới và mới xóa được 1/6 điểm ngập trong kế hoạch đăng ký 2014.
Ông Chung thừa nhận việc thi công các công trình như Tân Hóa – Lò Gốm, Xa lộ Hà Nội, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, Võ Văn Kiệt đã ảnh hưởng đến dòng chảy khiến việc thoát nước khó khăn, gây ngập phát sinh ở một số khu vực.
Riêng tại dự án Tân Hóa – Lò Gốm, thời gian qua thanh tra Sở đã kiểm tra xử phạt 66 trường hợp nhưng tình hình vi phạm trong thi công làm chặn dòng chảy vẫn tiếp diễn. Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và tiến hành chấm điểm các nhà thầu để xử lý nghiêm hiện tượng này.
Với 29 điểm ngập mới, ông Chung cho rằng có thể những điểm đó đã có từ trước nhưng việc phối hợp giữa các địa phương với Trung tâm chống ngập TP và Sở GTVT chưa được đồng bộ nên chưa đánh giá chính xác số điểm ngập. Nay bà con phản ánh mới phát hiện.
Ông Chung đưa ra giải pháp chống ngập: Tăng cường nạo vét kênh rạch; xử phạt nghiêm các đơn vị thi công chặn dòng chảy; kiểm tra đánh giá lại các lỗi kỹ thuật như đấu nối đường ống, hướng dòng chảy...
Ông Chung hứa đến năm 2015, xóa 80% các điểm ngập và phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản giải quyết tình trạng ngập nước này.
Chưa hài lòng với lời hứa của Sở GTVT, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND hỏi: “Giám đốc Sở GTVT nói đến năm 2020 cơ bản giải quyết được tình trạng ngập. Vậy cơ bản là sao? Đề nghị cho biết cụ thể thêm”.
Ông Chung cho biết, sắp tới theo kế hoạch sẽ xây dựng một số hồ điều tiết, khi hoàn thành có thể giải quyết ngập cho một số khu vực quận Tân Bình, Thủ Đức…
Theo Pháp luật TP.HCM