Dừng DA đèo Hải Vân: Huế lấy tiền ngân sách bồi thường?

Thứ sáu, 28/11/2014, 14:27
Quyết định dừng triển khai dự án ở đèo Hải Vân, Thừa Thiên – Huế lấy nguồn tiền đâu để bồi thường cho nhà đầu tư?

Như đã đưa tin, cuối ngày 26/11, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao về việc quyết định dừng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế ở núi Hải Vân.

Quyết định này được đưa ra sau khi có rất nhiều ý kiến phản đối của dư luận, đặc biệt là từ lãnh đạo TP Đà Nẵng, Bộ Quốc Phòng… vì dự án được cấp phép đầu tư ở vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng.

Sau nhiều tranh cãi, Thừa Thiên - Huế đã quyết định dừng triển khai dự án ở Đèo Hải Vân.

Trong thông báo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, do nhận thấy “có vấn đề về an ninh quốc phòng” nên tỉnh quyết định dừng triển khai dự án, chấp nhận giải quyết hậu quả từ yêu cầu của nhà đầu tư.

Đương nhiên, việc tỉnh này phải bồi thường cho doanh nghiệp không thể tránh khỏi và điều đó đúng quy định pháp luật.

Nhưng, vấn đề mà dư luận đang quan tâm là Thừa Thiên – Huế lấy nguồn kinh phí ở đâu để đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư?

Trước đó, đại biểu Quốc hội Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, Thừa Thiên – Huế ra quyết định cho đầu tư dự án không đúng quy trình, sai sót mang tính chủ quan của lãnh đạo tỉnh nên không thể lấy tiền ngân sách ra bồi thường cho doanh nghiệp.

“Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được dùng tiền ngân sách để bồi thường cho doanh nghiệp bởi việc Thừa Thiên – Huế cấp phép đầu tư dự án ở nơi trọng yếu an ninh quốc phòng mà không xin ý kiến Bộ Quốc Phòng là sai”, đại biểu Phạm Trường Dân nói.

Về vấn đề này, trao đổi với PV chiều 27/11, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng, quyết định cấp phép đầu tư dự án này là quyết định của UBND tỉnh nói chung, chứ không phải mang tính cá nhân chủ tịch tỉnh hay ai đó, nên trước mắt vẫn phải dùng ngân sách địa phương để bồi thường.

“Ra quyết định đầu tư dự án thì phải họp bàn tập thể chứ không thể do một cá nhân quyết định. Về nguyên tắc thì đó là hợp đồng của một cơ quan nhà nước chứ không phải hợp đồng của cá nhân.

“Con dại cái mang”, giờ nhà nước phải đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp trước. Sau này kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể, ai sai thì lúc đó quy trách nhiệm bồi hoàn, theo công vụ”, ông Đương nói.

Tuy nhiên, ông Đương cũng cho rằng, trong vấn đề này cần điều tra cụ thể xem có cá nhân nào tư túi gì thì bắt cá nhân đó phải chịu, không chỉ kinh tế mà cả về mặt pháp luật.

“Cần phải điều tra cụ thể xem trong việc cấp phép dự án này có lợi ích cá nhân gì không, anh có tư túi gì không.

Ví dụ anh có thẩm quyền được cấp giấy phép đó hay là anh vượt quá thẩm quyền? Anh bàn bạc đầy đủ chưa hay chỉ vì động cơ kinh tế của tỉnh anh mà anh làm như vậy?

Cũng tùy tính chất, mức độ, sai phạm đến đâu thì phải xử lý trách nhiệm đến đó…”, ông Đương nêu vấn đề.

Từ những sai phạm xung quanh việc cấp phép Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine, đại biểu này kiến nghị, tất cả các nơi trọng yếu, ví dụ như trồng rừng đặc dụng, rồi khu chiến lược về quân sự… thì đều cần được kiểm soát chặt chẽ, thận trọng khi cấp phép đầu tư, hay cho thuê.

“Tôi cho rằng, ở những vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, không địa phương nào được độc lập cấp phép đầu tư, cho thuê, mà phải đặt trong tầm quốc gia, phải xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là phải đưa ra cả Quốc hội để bàn bạc” đại biểu Đỗ Văn Đương kiến nghị.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, các địa phương không thể chỉ vì chú ý phát triển kinh tế tỉnh mình mà quên đi việc bảo vệ chủ quyền quốc gia vốn là vấn đề quan trọng hàng đầu.

“Anh muốn phát triển kinh tế thì trước hết anh phải đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia. Chứ không phải cứ muốn phát triển kinh tế thì xé lẻ tài nguyên đất nước ra rồi thì cứ cấp phép đầu tư bừa bãi như thế. Đây là vấn đề rất hệ trọng, cần phải làm rõ”, ông Đương kiến nghị.

Theo VTCnews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích