Đời thảm thương của người đàn bà bất đắc dĩ bị thờ sống

Thứ sáu, 28/11/2014, 15:39
Bà nhìn thấy bàn thờ, trên đó có tấm di ảnh của bà và họ hàng hương khói đã... 32 năm.

Kỳ cuối: Ký ức buồn về quãng đời lưu lạc

Lúc về Hà Nội và bị lừa mất sạch hai bao tải chè, cũng là khởi đầu cho chuỗi thời gian vất vưởng mưu sinh ở Hà Nội của người đàn bà bất hạnh Nguyễn Thị Phải.

Cả tháng trời ròng rã, bà suốt ngày chỉ quanh quẩn tại ga Hàng Cỏ. Mỗi lần nghe báo tàu về, bà lại xốc con rồi chạy một mạch khắp các toa tàu tìm kiếm, mong sẽ gặp lại người phụ nữ ấy để đòi lại tiền chè, nhưng tìm mãi không thấy.

Hết hy vọng, lại không có tiền, bà Phải ôm con đi lên chợ Bắc Qua (gần chợ Đồng Xuân, Hà Nội), xin xách nước thuê cho mấy cửa hàng. Tối đến, hai mẹ con nằm ở cổng chợ ôm nhau ngủ. Nhiều người đi qua thấy tội nghiệp, người cho bà chiếc chiếu, người cho quần áo cũ. Mọi người quây mấy tấm tôn ở góc chợ thành căn phòng nhỏ hẹp cho hai mẹ con tá túc.

Có người chủ sạp hàng thương tình còn trông giúp con gái, cho ăn uống, để bà Phải đi làm thuê. Để trả ơn, đêm về bà lại trông nom, quét dọn sạch sẽ cửa hàng cho họ. Kiếm được tiền, bà thuê trọ ngay phía sau chợ.

Cuộc sống tưởng cứ lặng lẽ trôi qua như thế, nhưng biến cố lại thêm một lần nữa thử thách người đàn bà bất hạnh này.

Năm 1981, cô con gái Nguyễn Thị Sinh mới 4 tuổi mất tích. Trong lần rảnh việc, bà Phải lên Quảng Bá bắt ốc về cải thiện bữa ăn. Bà gửi con người hàng xóm. Tối về phòng trọ, bà tá hỏa khi người hàng xóm cho biết đang lạc mất cháu bé. Anh này dẫn con gái bà vào chợ mua phở cho ăn, nhưng chỉ vài phút lơ đễnh, anh không thấy bé Sinh đâu nữa.

Bà Phải tìm đến đủ các bến xe, khắp các ngả đường ở Hà Nội, nhưng tin tức của đứa con gái tội nghiệp vẫn bặt tăm.

Nghe thông tin ngày trước có cặp vợ chồng hiếm muộn ở Hòa Bình tìm về chợ Đồng Xuân dò hỏi xin con, giờ không thấy xuất hiện nữa, bà Phải lập tức lên đường đi tìm trong tình trạng không một xu dính túi, chỉ có mỗi cái giấy chứng nhận sự việc mất con do công an cấp.

Đời thảm thương của người đàn bà bất đắc dĩ bị thờ sống
Bà Nguyễn Thị Phải: "Tôi tưởng chừng đã mất con"

Suốt mấy ngày ở Hòa Bình, bà lang thang khắp các thị trấn, đi như mơ ngủ, chỗ nào dân cư đông đúc lại nhảy vào hỏi. Vừa hỏi thăm vừa xin ăn. Đêm bà đặt lưng xuống bất cứ chỗ nào để ngủ.

Ở Hòa Bình không có tin tức, có người lại chỉ bà Phải về Hà Tây (cũ) tìm con gái. Tìm mãi không thấy con, bà lại ngược lên Thái Nguyên, Bắc Kạn, rồi xuôi về Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng...

Ròng rã như thế, người đàn bà tội nghiệp lang thang hết 10 tỉnh tìm con gái mà tung tích con vẫn biệt tăm. Đi tới đâu, bà đều xin làm thuê bất cứ công việc gì để lấy tiền làm lộ phí.

Có lần, mùa đông rét quá, quần áo phong phanh, lại đói, bà Phải kiệt sức ngất xỉu ở bến phà Tân Đệ. Người dân phát hiện còn sống, đưa bà vào nhà sưởi ấm, cho ăn, cho quần áo mặc.

Suốt nửa năm ròng rã, cuối cùng bà Phải cũng tìm được cô con gái của mình tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, trong một gia đình nghèo hiếm muộn. Họ mua cháu bé với giá 60 đồng ở chợ Đồng Xuân và mang về nuôi cho đỡ cô quạnh.

Về đến Hà Nội, bà con trong chợ đến chúc mừng rất đông. Họ gom góp tiền bạc cho hai mẹ lấy vốn, thuê nhà sinh sống.

Sau hai năm làm thuê tối ngày, cuộc sống dù còn nghèo nhưng cũng dần ổn định. Con gái đã đi học lớp 1. Đang tính đường đưa con gái trở về quê hương, thì bà Phải bị chiếc xe lạc tay lái tông gãy chân trong một lần lom khom bốc hàng ven đường. Mẹ què quặt, không làm lụng kiếm tiền được, cô bé Nguyễn Thị Sinh phải nghỉ học. Dù còn bé xíu, Sinh đã phải rửa bát thuê kiếm tiền nuôi mẹ dưỡng bệnh.

Đời thảm thương của người đàn bà bất đắc dĩ bị thờ sống
Định về thăm quê, bà Phải liên tiếp lại hai lần bị xe tông gãy chân.

Được hơn năm, khi chân gãy liền xương, dù bước đi còn tập tễnh, bà Phải vẫn cố gắng đi làm thuê. Thế nhưng, lại một lần nữa bà bị xe tông và lại trúng cái chân đó.

Lần này, bà yếu hẳn, không còn đủ sức làm việc nặng nữa. Bà chỉ còn biết đi nhặt phế liệu về bán lại, kiếm những đồng tiền ít ỏi rau cháo qua ngày.

Năm 1997, cô con gái Nguyễn Thị Sinh được 20 tuổi, gặp một thanh niên quê Bắc Giang tranh thủ lúc vụ mùa nông nhàn xuống Hà Nội bốc vác. Hai người yêu nhau và xin cưới. Bà Phải tặc lưỡi cho hai đứa sống với nhau. Tiệc cưới chỉ là bữa cơm nho nhỏ với vài người hàng xóm thân thiết.

Về già, bà Phải bỗng nhớ đến quê hương. Ở đó còn có anh chị em, có mồ mả của cha mẹ. Anh con rể cũng tha thiết muốn được biết nơi chôn rau cắt rốn của vợ mình, liên tục thúc giục bà.

Tháng 9/2010 ba mẹ con dắt díu nhau về Phổ Yên. Vào nhà anh chị dâu, dân làng biết tin kéo đến đông nghịt.

Điều bất ngờ nhất là trong gian nhà của đứa cháu, bà nhìn thấy bàn thờ, cùng tấm di ảnh thờ bà, được anh em họ hàng hương khói đã... 32 năm, tính từ ngày bà ôm con xuống Hà Nội và mất tích. Mọi người đồn hai mẹ con đã chết vì đói, vì rét. Không biết bà "chết" lúc nào, chỉ biết bà đi trong tháng 6, nên chọn một ngày tháng 6 để cúng.

Lúc đó, bà Phải cũng dở khóc dở cười khi thấy cảnh mọi người cứ ú ớ lúc ba mẹ con mới trở về. Nghĩ chuyện buồn cũng đã qua, bà trêu đùa: “Ờ thì chúng mày cúng từ từ thì không cúng, cúng tích cực quá nên tao phải nhô lên trở về chứ còn gì nữa”. Mọi người đều phá lên cười, động viên hỏi han an ủi mấy mẹ con bà.

Cũng kể từ đó, hàng năm, cứ đến ngày giỗ bố mẹ hay có việc gì trong dòng họ, anh em họ hàng lại xuống Hà Nội đón bà về.

Trò chuyện với phóng viên, bà Phải tâm sự rằng, gần 40 năm phiêu dạt kiếm kế sinh nhai, thì có đến 30 năm hai mẹ con lấy trời làm màn, đất làm chiếu. Đến nay, dù cuộc sống còn nghèo, nhưng được thấy vợ chồng con gái yêu thương đùm bọc nhau, các cháu ngoan ngoãn, biết nghe lời cha mẹ, bản thân bà đã đi đến cuối cuộc đời, bà cũng cảm thấy thỏa mãn, không hề hối tiếc một điều gì nữa.

“Những gì cần làm tôi đã làm hết cả, tôi thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Ở đây, tôi có công việc, có con cháu ở cùng, có những người hàng xóm tốt bụng đã cưu mang đùm bọc tôi bao nhiêu năm qua, tôi không còn ước mơ gì cao xa nữa. Có lẽ, đó là phúc ông trời ban cho tôi chăng?”, người đàn bà tật nguyền này tâm sự mà không giấu nổi những giọt nước mắt.

Theo VTCnews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích