Trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về vấn đề này.
Ông Hằng cho biết, có ý kiến thảo luận đề nghị không quy định vấn đề không áp dụng trực tiếp Công ước như trong dự thảo Nghị quyết. Ý kiến khác đề nghị cần rà soát kỹ để áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Công ước.
Quốc hội đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. |
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn Hiến pháp năm 2013 khẳng định Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công ước chống tra tấn là điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người.
Do đó, để thực hiện Công ước thì Việt Nam cần luật hóa quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật, nhất là đối với các quy định của Công ước mà pháp luật Việt Nam chưa quy định.
Nghị quyết không coi quy định tại khoản 2 Điều 8 Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ. Theo đó, việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc nguyên tắc có đi có lại.
Khoản 2 điều 8 của công ước quy định nếu một quốc gia thành viên chỉ cho phép dẫn độ khi có điều ước quốc tế về dẫn độ mà nhận được yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác không có điều ước quốc tế về dẫn độ với mình thì quốc gia đó có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ đối với những hành vi phạm tội này. Việc dẫn độ sẽ phải tuân thủ những điều kiện khác do pháp luật của quốc gia được yêu cầu dẫn độ quy định.
Nghị quyết bảo lưu quy định nếu Ủy ban chống tra tấn (được thành lập theo quy định của Công ước) nhận được thông tin đáng tin cậy chứa đựng những dấu hiệu có cơ sở là việc tra tấn đang được tiến hành một cách có hệ thống trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, Ủy ban sẽ mời quốc gia thành viên đó hợp tác trong việc kiểm tra thông tin và vì mục đích này, đưa ra ý kiến về những thông tin liên quan đó.
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984, có hiệu lực thi hành ngày 26/6/1987.
Việt Nam đã ký tham gia công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người tại New York ngày 7/11/2013.
Theo Khám phá