Phút "nước sôi lửa bỏng" cứu sự cố "sập" chỉ huy không lưu

Thứ sáu, 28/11/2014, 08:12
Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC) vào tình thế "nước sôi lửa bỏng" khi giành quyền điều hành bay trong sự cố "sập" hệ thống ở Trung tâm kiểm soát đường dài - tiếp cận HCM (ACCC) trưa ngày 20/11.

 - 1

Bên trong Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội. Phía bên tay phải Trung tâm là khu vực dự bị cho ACC HCM với mức độ dự bị 100% năng lực điều hành. Bao gồm 5 phân khu trải dài trên vùng trời 1 triệu km2.

Trong 1 tiếng 24 phút mất điện ở Trung tâm kiểm soát đường dài - tiếp cận Hồ Chí Minh (ACC HCM) trưa ngày 20/11, Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC) đã giành quyền điều hành bay theo đúng quy trình ứng phó không lưu nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

Theo ông Nguyễn Văn Thăng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), trưa ngày 20/11, khi ban lãnh đạo Tổng công ty đang họp tại trụ sở thì nhận tin báo có trục trặc kỹ thuật ở ACC HCM khiến hệ thống điều hành bay trong toàn bộ FIR Hồ Chí Minh (vùng thông báo bay) tê liệt. Ban lãnh đạo đã quyết định chỉ đạo thực hiện ứng phó không lưu từ ATCC Hà Nội.

Thời gian di chuyển từ trụ sở VATM đến ATCC Hà Nội chưa đầy 5 phút đi ôtô. Khi quyết định đầu tư ATCC Hà Nội, mục đích quan trọng đặt ra là phải đặt ngay cạnh "đầu não" để kịp thời ứng phó khẩn nguy, không phải mất thời gian di chuyển lên sân bay quốc tế Nội Bài (đi ôtô từ VATM lên sân bay mất khoảng 35 - 45 phút).

Ông Nguyễn Văn Thăng cho biết tình huống này chưa bao giờ xảy ra và cũng không thể lường trước được nên những phút đầu tiên, không khí rất căng thẳng. Nhưng trong lúc nước sôi lửa bỏng, tâm lý những người chỉ huy rất vững vàng. Nhờ đó, kế hoạch ứng phó không lưu được triển khai rất tốt, điều hành bay tuyệt đối an toàn. Tổng cộng có 54 chuyến bay trong vùng trách nhiệm của ACC HCM trong thời gian xảy ra sự cố, tính chung các chuyến bay bị ảnh hưởng là 92 chuyến.

ATCC Hà Nội được khởi công tháng 2/2012, đến nay đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để đi vào hoạt động trong tháng 12 tới. Đây là một trung tâm không lưu hiện đại bậc nhất của khu vực, được đầu tư một số hệ thống kỹ thuật mới cùng những hệ thống kỹ thuật truyền thống.

Các hệ thống kỹ thuật truyền thống bao gồm hệ thống chuyển mạch thoại VCCS, hệ thống thông tin liên lạc đất đối không tần số VHF, hệ thống thông tin vệ tinh (VSAT), hệ thống tổng đài nội bộ PABX.... Hệ thống kỹ thuật mới bao gồm Hệ thống tự động quản lý không lưu (ATMS) hiện đại với khả năng xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn giám sát khác nhau như Radar, ADS-B.

Đồng thời, hệ thống còn tích hợp chức năng quản lý luồng tiếp cận AMAN/DMAN nhằm hỗ trợ kiểm soát viên không lưu trong công tác điều hành bay tại các sân bay quốc tế Nội Bài, Cát Bi.

Dự án còn sử dụng hệ thống xử lý điện văn hàng không mới (AMHS) thay thế cho hệ thống chuyển điện văn hiện tại AFTN. Hệ thống AMHS theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO sẽ cải thiện khả năng trao đổi điện văn giữa các đơn vị điều hành bay như tăng tính năng bảo mật, tăng năng lực xử lý, linh hoạt trong khai thác...

Hệ thống kỹ thuật và các hạ tầng kỹ thuật phụ trợ ATCC Hà Nội đảm bảo cung cấp phương tiện giám sát mới để điều hành cho hoạt động bay dân dụng và hoạt động hàng không chung, bao gồm cả các hoạt động bay tầm thấp trong vùng thông báo bay Hà Nội (FIR/HAN) và vùng trách nhiệm bảo đảm hoạt động bay được giao thêm đáp ứng yêu cầu phối hợp hiệp đồng với quân sự, đảm bảo an ninh quốc gia.

 - 2

Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó tổng giám đốc VATM, một trong số những lãnh đạo trực tiếp có mặt điều hành tại ATCC Hà Nội - đang mô tả lại tình huống đặc biệt ngày 20/11.

 - 3

 - 4

Góc bên phải trung tâm là bộ phận điều hành dự bị cho FIR Hà Nội, có diện tích ở vùng thông báo bay trải dài 320.000 kilomet vuông, từ vĩ tuyến 17 trở ra, chia thành hai phân khu.

 - 5

Vị trí giữa Trung tâm dành cho Kíp trưởng. Tại đây, Kíp trưởng có thể bao quát toàn bộ các kiểm soát viên không lưu của cả kíp trực.

 - 6

Phòng thiết bị hay còn gọi là phòng hạ tầng cung cấp dịch vụ cho cả ATCC Hà Nội gồm những thiết bị công nghệ "khủng", giống như những chiếc tủ sắt xếp đặt kín căn phòng. Tại đây, các chuyên gia Thuỵ Điển đang chuyển giao công nghệ cho cán bộ ATCC Hà Nội. ATCC Hà Nội đang trong gian đoạn hoàn thiện, chờ Cục Hàng không cấp phép mới đi vào hoạt động chính thức từ đầu tháng 12 tới.

 - 7

Nguồn diện cung cấp cho ATCC Hà Nội gồm điện lưới và điện máy nổ. Có hai máy nổ công suất 1.000 KVA. Cứ hai ngày, những chiếc máy phát điện được kích hoạt cung cấp điện cho hệ thống trong vòng 20 phút để đảm bảo lúc nào hệ thống dự phòng này cũng sẵn sàng.

 - 8

Là người trực tiếp phụ trách kỹ thuật của VATM, ông Nguyễn Văn Thăng cho biết các nguồn điện cung cấp cho thiết bị không lưu được đấu với 4 thiết bị lưu điện UPS. Trường hợp mất điện lưới, hệ thống sẽ tự nhảy sang điện máy phát. Nếu "chết" cả hai nguồn điện lưới và máy phát, 4 UPS này có khả năng cung cấp điện cho cả hệ thống trong vòng 4 giờ.

 - 9

Chỉ Đội trưởng và Đội phó kíp trực nguồn điện mới có chìa khoá mở cửa và thực hiện các thao tác can thiệp vào UPS. Khi thao tác luôn phải có hai người để thực hiện kiểm tra chéo. Trên mỗi UPS đều ghi cảnh báo nguy hiểm hoặc đặc biệt nguy hiểm để trước khi ấn nút bất kỳ, nhân viên kỹ thuật phải lường trước được nguy cơ có thể xảy ra nếu thao tác sai.

 - 10

Trạm VSAT - hệ thống thông tin vệ tinh có tác dụng đồng bộ thông tin liên lạc thông suốt, song song với đường cáp quang và dự phòng khi cáp quang trục trặc.

 - 11

Hệ thống cứu hoả bằng CO2 cho các thiết bị điện.

 - 12

Từ ATCC Hà Nội, hệ thống radar hiển thị toàn bộ hoạt động bay trên vùng trời cả nước.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn