Ông Hagel là Bộ trưởng Quốc phòng thứ ba ra đi dưới chính quyền Tổng thống Obama.
Trong tuyên bố tại Nhà Trắng hôm đầu tuần, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông và người đứng đầu ngành quốc phòng đều có chung quan điểm rằng “giờ là thời điểm phù hợp để ông Hagel kết thúc công việc”.
Mặc dù cả hai ông đều không đề cập đến lý do đi tới quyết định trên, nhưng theo các trợ lý của Bộ trưởng Hagel, trước đó lãnh đạo của họ đã có hai tuần thảo luận căng thẳng với Tổng thống Obama xung quanh chiến lược chống “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Iraq và Syria. Có vẻ như hai bên đã bất đồng quan điểm nghiêm trọng đến mức không thể dung hòa và chính điều đó đã khiến người đứng đầu tòa Ngũ giác đồng ý ra đi theo đề xuất của ông chủ Nhà Trắng.
Với quyết định này, ông Hagel là Bộ trưởng Quốc phòng thứ ba ra đi dưới thời của chính quyền Obama. Hai người tiền nhiệm của ông là Robert Gates và Leon Panetta cũng đã ra đi sau những bất đồng không thể hàn gắn với Nhà Trắng.
Điều này đang khiến nhiều người hoài nghi về sự ổn định trong chính sách quốc phòng của Mỹ trong bối cảnh các cuộc xung đột không ngừng leo thang trên toàn thế giới. Nó cũng khiến người ta lo ngại về mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Nhà Trắng với Quốc hội sau khi Tổng thống Obama quyết định thôi trọng dụng ông Hagel, người cuối cùng của đảng Cộng hòa phục vụ trong nội các hiện nay.
Vậy đâu là lý do thực sự khiến ông Hagel phải từ chức, dù tự nguyện hay bị ép buộc như một số nguồn tin đồn đoán?
Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, thế giới đầy biến động đã làm cho chiếc ghế của ông Hagel bị lung lay, bật ngã.
Không thể phủ nhận một thực tế là ông Hagel đã tiếp quản cương vị chủ nhân Lầu Năm Góc trong bối cảnh quốc phòng Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn, từ việc kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan, chiến lược chống IS ở Trung Đông, sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy quan hệ Mỹ - Nga xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến eo hẹp chi phí quốc phòng. Đây đều là những thách thức an ninh lớn buộc nước Mỹ phải mạnh tay giải quyết, nhưng ông Hagel lại luôn “lạc nhịp” với Nhà Trắng trong chiến lược an ninh mới.
Cuộc chiến chống IS là một ví dụ. Ông Hagel đã không thể thuyết phục được Tổng thống Obama về việc cử bộ binh tham chiến ở Iraq và Syria, cho dù đây là yếu tố quyết định thắng bại. Ông cũng không nắm bắt được ý đồ của chủ nhân Nhà Trắng muốn nhân cuộc chiến chống IS để lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong các cuộc điều trần trước Quốc hội gần đây, ông Hagel đều cho rằng Iraq là trọng tâm, trọng điểm trong chiến lược chống IS và Syria chỉ là địa bàn thứ yếu. Đây chính là một trong những sai lầm lớn nhất của ông.
Trong phát biểu hiếm hoi của mình sau khi công bố quyết định từ chức, ông Hagel cho biết sẽ tiếp tục điều hành công việc hàng ngày tại Lầu Năm Góc đến khi người kế nhiệm ông được Quốc hội mới thông qua vào đầu năm tới. Hiện có nhiều gương mặt đề cử cho vị trí này nhưng dù ai lên thay, người đó cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn mà ông Hagel đã gặp phải.
Gương mặt mới đó cũng sẽ đại diện cho một sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ nhằm tìm cho ra chiến lược đánh bại IS hiệu quả; có chính sách phù hợp với Iraq, Syria, Afghanistan; nâng cao khả năng răn đe quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương trước một Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ và giải quyết tốt cuộc khủng hoảng Đông Âu trong bối cảnh eo hẹp ngân sách quốc phòng.
Ông Chuck Hagel năm nay 68 tuổi, từng tham chiến trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông bắt đầu công việc tại Lầu Năm Góc từ tháng 2/2013 trong thời kỳ ngân sách quốc phòng bị cắt giảm mạnh do nước Mỹ phải “thắt lưng buộc bụng” để tiết giảm chi tiêu và giảm bớt thâm hụt ngân sách. Sau chưa đầy hai năm tại nhiệm, ông từ chức khi nước Mỹ đang đối mặt với rất nhiều thách thức nổi lên trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện chưa biết sự ra đi của ông có phải là dấu hiệu mở màn cho một cuộc cải tổ nội các rộng lớn trong hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama hay không. |
Theo Dân trí