Bên hành lang Quốc hội, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã trả lời PV xung quanh việc trang bị thẻ thông minh cho các đại biểu Quốc hội.
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Tuổi trẻ) |
- Vừa qua, báo chí có phản ánh việc vào cuối phiên họp, số lượng đại biểu thường vắng khá nhiều. Nghị viện các nước trên thế giới có xảy ra tình trạng này không, thưa ông?
Tôi có đi thăm một số nước và dự các cuộc họp, hoạt động của Quốc hội các nước. Ở nước ngoài cũng không quy định chặt chẽ vấn đề này. Ở một số nước, các phiên thảo luận đại biểu nào quan tâm thì đến tham dự. Tuy nhiên, những vị đại biểu này ý thức việc biểu quyết và phát biểu đó là quyền của đại biểu.
Quyền chứ không phải nghĩa vụ, quyền mình được phát biểu, quyền được bỏ phiếu. Tôi gặp rất nhiều trường hợp, có những ông nghị sĩ tiếp chúng tôi ngay trong thời gian họp nhưng khi có chuông tín hiệu chuẩn bị bỏ phiếu thì ông xin lỗi và đi bỏ phiếu.
Vị đại biểu đó không thể bỏ quyền bỏ phiếu của mình, đó là một quyền rất lớn mà nhân dân, cử tri giao phó cho mình, còn nếu mình quan niệm mình đi họp vì nghĩa vụ lại không đúng.
Tôi nghĩ các đại biểu, nghị sĩ của các nước họ hiểu đó là quyền của họ, quyền đặc biệt mà nghị sĩ mới có. Tôi nghĩ nếu nhận thức theo kiểu đó thì chuyện đại biểu có mặt ở trong cuộc họp là quyền của họ chứ không phải nghĩa vụ.
Có lần tôi chứng kiến trong một phiên chất vấn chỉ có một vị Bộ trưởng trả lời một đại biểu và có một ông Phó Chủ tịch Quốc hội là chủ trì.
Trong khi đó chúng tôi được vào dự thính, được quan sát. Ở nước ngoài, người ta cho nhân dân ở tầng 2, ai có nhu cầu đến theo dõi đều được nhưng chỉ cần giữ trật tự. Người ngồi xem đông nhưng phiên chất vấn chỉ đúng ba người là lãnh đạo Quốc hội, một đại biểu và Bộ trưởng.
- Với vai trò kiêm nhiệm, các đại biểu Quốc hội Việt Nam không có mặt tại hội trường cũng là việc dễ hiểu phải không, thưa ông?
|
Ở Việt Nam, cả năm chỉ có hai lần họp Quốc hội và một lần họp chỉ khoảng một tháng, bởi vậy chắc chắn sự hiện diện của đại biểu phải đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, theo tôi không nên quá khắt khe khi yêu cầu hội trường phải chật ních đông đủ.
Nhiều nội dung chỉ có một số người quan tâm tại sao lại bắt tất cả các đại biểu phải ngồi nghe. Phải đặt yếu tố chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu.
Ở vị trí của mình, những vị đại biểu đó dành thời gian đóng góp một cách hiệu quả hơn cho đất nước. Nếu vị đại biểu đó ngồi một chỗ, không làm được gì thì đã chắc gì hiệu quả. Nếu Quốc hội quy định chặt chẽ quá chỉ mang tính hình thức.
- Tuy nhiên, cử tri cũng có quyền yêu cầu vị đại biểu Quốc hội do mình bầu ra phải hoạt động tích cực hơn và cũng phải thấy xuất hiện trên nghị trường, thưa ông?
Đương nhiên các kỳ họp Quốc hội, cử tri là có giám sát, có theo dõi. Bởi vậy, các phiên thảo luận tại Quốc hội cũng phải tạo ra không khí và có thái độ nghiêm túc để cử tri có thể hài lòng. Cử tri cũng sốt ruột khi thấy vị đại biểu do mình bầu lên không bao giờ có ý kiến.
Dần dần chúng ta cũng phải đi vào nhận thức theo hướng để hoạt động Quốc hội mang lại hiệu quả thực chất, các đại biểu phải thấy cái quyền được ngồi ở nghị trường là quyền rất lớn.
Các đại biểu Quốc hội sẽ được trang bị thẻ thông minh để phục vụ việc hoạt động. |
- Ông có đồng tình với việc kỳ họp sắp tới sẽ có thẻ thông minh để phục vụ các hoạt động của đại biểu Quốc hội?
Tôi hoàn toàn ủng hộ vì đó là thiết bị giúp chúng ta hoạt động văn minh. Như tôi đã nói, việc trang bị thẻ thông minh không phải kiểm tra là đại biểu có mặt hay không mà để đảm bảo chỉ đại biểu đó được sử dụng quyền của mình. Việc làm này sẽ tránh việc điểm danh hộ, bấm nút hộ trong thời gian vừa qua.
- Nếu đại biểu Quốc hội lại trao thẻ cho người khác thì sao, thưa ông?
Khi đại biểu Quốc hội trao thẻ cho người khác thì rất nguy hiểm. Nếu người ta dùng không hợp pháp thì vị đại biểu đó phải chịu trách nhiệm. Khi đại biểu đã được trang bị thẻ thông minh thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Người dân sẽ được tham dự vào các phiên họp của Quốc hội trong thời gian tới. |
- Có ý kiến đề xuất, khi người dân quan tâm có thể xin đăng ký để theo dõi trực tiếp các phiên làm việc của Quốc hội. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tôi ủng hộ việc cho phép người dân vào chứng kiến trực tiếp các phiên họp trong các kỳ họp của Quốc hội. Trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ hướng tới điều đó. Diễn đàn Quốc hội là công khai, bất cứ người dân nào cũng có thể vào xem, tất nhiên phải chấp hành quy định về an ninh, trật tự.
Nghĩa là trong thời gian diễn ra kỳ họp của Quốc hội, người dân được vào thăm tòa nhà Quốc hội mới, chứng kiến các phiên họp diễn ra tại hội trường Diên Hồng.
Khi chúng ta chuẩn bị đầy đủ thì hoàn toàn có thể làm điều đó. Người dân có thể ngồi ở tầng trên để quan sát xuống nơi các đại biểu Quốc hội làm việc.
Theo VTCnews