Tìm lại nụ cười cho cậu bé lay động hàng triệu trái tim

Thứ tư, 26/11/2014, 16:32
Bức ảnh về một nụ cười của một cậu bé có vành môi hở ngoác đã lay động hàng triệu trái tim. Nhiều người cất công tìm tung tích em, để giúp em tìm lại nụ cười tròn trịa. Tà Yên Nghiệp – cậu bé trong bức ảnh “đằng sau nụ cười” sẽ được các bác sĩ khoa Răng hàm mặt, bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM tiến hành phẫu thuật vá lại môi và vòm họng.

Đi tìm cậu bé “Đằng sau nụ cười”

Sáng nay 26/11, tại khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, chúng tôi tình cờ gặp được anh Trần Trọng Lượm – Tác giả bức ảnh “Đằng sau nụ cười”. Anh sát cánh cùng mẹ con em Tà Yên Nghiệp, nhân vật trong bức ảnh của mình trong cuộc phẫu thuật môi cho em.

Kể về cơ duyên với bức ảnh “đằng sau nụ cười”. Anh Lượm kể, một ngày cuối tháng 12/2013, Lượm rong ruổi khắp miền núi xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn để ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Hôm ấy, anh có ý định vào làng, tìm gặp một cụ già làm đàn cha-pi. Không gặp được cụ, anh đi bộ rong ruổi theo triền núi huyện Ma Nới. Khi đi sâu vào làng, anh tình cờ anh thấy vài em nhỏ đang vui chơi ngoài sân hồn nhiên quá. Anh dừng lại chụp thì lại thấy một em trai đang lấp ló trong tấm bạt treo ở vách nhà, tha thẩn một mình. Đó là lần đầu anh gặp Nghiệp.

Lượm hỏi sao em không ra chơi với các bạn, em không nói, len lén nhìn người lạ. Trông thấy vành môi em hở ngoác và ánh mắt buồn của em, anh cảm nhận một nỗi mặc cảm nơi cậu bé 9 tuổi ấy. Lượm không biết làm sao để em cười, anh làm trò phun mưa chọc cậu bé. Em cười, Lượm nhanh tay bấm lại khoảnh khắc ngắn ngủi đó. Và không ngờ, bức ảnh của anh lọt vào vòng chung kết cuộc thi ảnh Nghệ thuật của báo VnExpress tổ chức. Càng không ngờ hơn là có quá nhiều người chú ý đến bức ảnh của mình đến vậy. Thậm chí, nhiều bạn đọc, nhiều tổ chức đã gọi hỏi anh về tung tích cậu bé để giúp đỡ em phẫu thuật lại môi.

Đồng cảm với nhân vật, các thành viên của Tổ chức Smile Train đã tìm mọi cách để tìm được nơi bé ở với quyết tâm giúp Nghiệp tìm lại được nụ cười tròn. Họ liên lạc với Lượm để hỏi về tung tích em bé. Lượm bối rối không biết phải tìm em ở đâu. Sau khi chụp bức ảnh đó, anh không hỏi được em bé tên gì, nhà ở đâu. Em bé người dân tộc Rắc Lây, môi hở ngoác, em không phát âm tròn trịa được tiếng nói của đồng bào mình, cũng chưa nói được tiếng Việt. Vậy là một ngày giữa tháng 11, Lượm cùng một số người trong tổ chức Smile Train quay lại ngôi làng nọ, tìm em.

Mọi người trong đoàn gặp được ông Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận. Ông cho rà soát lại danh sách những em còn sót lại trong cuộc phẫu thuật hàm ếch thì thấy cái tên Tà Yên Nghiệp. Thấy năm sinh của em là 2005, mọi người đoán đó đây là cậu bé trong bức ảnh “đằng sau nụ cười” mình đang tìm. Lần mò theo địa chỉ tỉnh Ninh Thuận cung cấp. Vậy là sau một ngày tìm kiếm, họ tìm được em tại trường Tiểu học Ma Nới – nơi em đang học. Nghiệp được làm thủ tục nhập viện Nhi đồng 1 TP.HCM phẫu thuật vá môi.

Bạn bè gọi con là “con quỷ”

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, Nghiệp gầy nhom, nước da ngăm đặc trưng của người con trai dân tộc Rắc Lây. Em len lén nhìn mọi người và có vẻ phần sợ hãi. Mẹ em, chị Tà Yên Thị Bương luôn giữ em nép sát bên mình.

Chị kể, khi mới sinh Nghiệp ra, trông thấy em hở ngoác vành môi như vậy, chị buồn lắm. Nhiều người trong làng dị nghị, nói em bị trời trừng phạt nên mới trông đáng sợ như vậy. Chị cũng vất vả đút từng thìa sữa vào vành môi hở ngoác ấy. Lớn lên, chị Bương cho con đi học mẫu giáo. Nhưng ngày nào đi học về Nghiệp cũng khóc, kể: “Mẹ ơi! Các bạn bảo con là con quỷ, không phải là người, không cho con chơi chung”. Thế là Nghiệp đòi ở nhà luôn, không dám lên trường nữa.

Phải 2-3 năm sau, khi em lên 8 tuổi, chị Bương mới cho con đi học lớp 1. Nghiệp sợ lắm, em bảo con không đi đâu. Chị dỗ mãi: “Con cứ học đi, nếu bạn bè chọc con, đánh con thì con méc cô, méc thầy”. Vậy là em ngày nào cũng lên lớp, không bỏ một buổi học. Dù cho có lần, bạn bè trêu chọc, lấy bút chọc gãy cả chiếc răng chìa ra của em, chảy đầy máu. Người phụ nữ tự nhận mình “ít chữ”, quanh năm vất vả với đồi nương như chị Bương vô cùng hãnh diện khi cuối năm lớp 1, Nghiệp mang về khoe chị tờ giấy khen học sinh xuất sắc.

Chị Bương phát âm tiếng Việt chưa rõ, nói nhanh, chị phải hỏi lại, cười bảo: “Tiếng Việt mình không rành”. Chị kể, Nghiệp sinh năm 2005, em còn một cậu em trai nữa. Vợ chồng chị sống ở thôn Gia Rót, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Đó là một ngôi làng vùng sâu. Đất khô cằn, không trồng được lúa, hai vợ chồng chị quanh năm chỉ biết bám vào những vụ ngô. Chị không bao giờ nghĩ rằng, chị có đủ tiền đưa con đi vá lại môi.

Sẽ trực tiếp phẫu thuật cho em, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu – trưởng khoa Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, em sẽ được phẫu thuật vào sáng 27/11. Nghiệp bị sứt môi hở vòm. Đây là dạng dị tật rất hay gặp, tuy nhiên, trường hợp nặng như Nghiệp lại hiếm. Bình thường, với những ca bệnh như Nghiệp sẽ được tiến hành sớm. Đến 9 tuổi, Nghiệp mới được phẫu thuật nên vòm khe của em đã hở rộng. Các bác sĩ sẽ tiến hành khâu kết nối hai phần môi của em cho khít lại. Sau đó, phần mũi em sẽ được kéo cao lên và tạo cánh mũi sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật vòm môi hở rộng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu cho biết, theo nguyên tắc, em Nghiệp phải được phẫu thuật từ khi 1 tuổi. Nhưng không hiểu sao em lại bị bỏ sót đến tận 9 tuổi. Ông kể thêm, trong một chuyến phẫu thuật ở Tây Nguyên, ông đã phẫu thuật vá môi cho một bà cụ gần 70 tuổi. Vậy là đúng 70 năm – bà cụ mới tìm được nụ cười của mình, cũng có lần ông phẫu thuật cho hai anh em trai sinh đôi tại Bệnh viện tỉnh Gia Lai. Cả hai cùng bị hở hàm ếch và mãi đến 23 tuổi mới được phẫu thuật.

BS Đẩu cũng chia sẻ: “Trong nhiều năm làm việc ở khoa răng hàm mặt, tôi thấy còn rất nhiều cháu nhỏ như Nghiệp. Những em nhỏ bị tật này chưa được xã hội và ngành y tế quan tâm thực sự, đặc biệt là các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa”.

Cậu bé Tà Yên Nghiệp trong bức ảnh "đằng sau nụ cười"

Cậu bé Tà Yên Nghiệp tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM (ảnh Khương Quỳnh)

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu đang thăm khám cho Nghiệp (ảnh Khương Quỳnh)

Theo Lao động

Các tin cũ hơn