Đại biểu Thuyền cho rằng, đây là hai loại hợp đồng xảy ra trong thực tiễn, cần có sự cân nhắc, điều chỉnh trong Bộ luật Dân sự.
Nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng – đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng giáo viên, bác sĩ, luật sư là những người liên quan đến “hợp đồng cần mẫn”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)
Ông nêu ví dụ: “Tôi là người dạy học, người học đỗ hay không đỗ thì vẫn phải trả tiền. Tôi là bác sĩ, bệnh nhân sống hay chết vẫn phải trả tiền. Luật sư cãi thắng hay không thắng vẫn phải trả tiền”.
Nếu không quy định loại hợp đồng này riêng, khi thực tiễn phát sinh người khiếu kiện, sẽ rất khó giải quyết. Do vậy, Đại biểu đề nghị nên bổ sung “hợp đồng cần mẫn” để một số ngành, nghề làm hết sức mình “được hay không được cũng phải trả tiền”.
Tiếp tục giải thích về “hợp đồng hảo ý”, đại biểu Thuyền dẫn chứng chuyện “người đi nhờ xe”. Chẳng hạn, một người đang đi dọc đường, có cháu học sinh vẫy xin đi nhờ xe. Nếu không may bị tai nạn, cháu học sinh chết, người cho đi nhờ xe phải đền.
Ông bảy tỏ: “Nhờ tôi giúp đỡ, về đạo lý tôi giúp đỡ anh, nhưng bây giờ bắt tôi bồi thường là vô lý”.
Từ ví dụ trên, ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cần phải quy định rõ, rành mạch những vấn đề như trên “hợp đồng hảo ý”.
Theo đại biểu Siu Hương (Gia Lai), dự thảo Bộ luật không quy định về hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng bảo hiểm... mà bổ sung hợp đồng hợp tác.
Đại biểu cho rằng, cần bổ sung những hợp đồng gắn liền với các sinh hoạt xã hội, như hợp đồng mua bán nhà - hợp đồng thông dụng nhất đang được áp dụng hiện nay.
Tuy trong Tờ trình của Chính phủ đã có giải trình những hợp đồng này đã được điều chỉnh bằng các văn bản luật chuyên ngành như Luật nhà ở, Luật kinh doanh bảo hiểm, nhưng cần bổ sung vào dự thảo Bộ luật.
Bởi dự thảo Bộ luật ghi: "Bộ luật này là luật chung, điều chỉnh các quan hệ dân sự", vậy các hợp đồng thông dụng đang áp dụng trong quan hệ dân sự đang tồn tại hiện nay cần quy định vào bộ luật này.
Từ tính chất của Bộ luật dân sự - được xem là luật mẹ để điều chỉnh và làm cơ sở cho các văn bản luật khác trong quan hệ dân sự, vậy một số hợp đồng dân sự thông dụng đang tồn tại hiện nay cần được quy định vào Bộ luật.
“Đề nghị đưa các hợp đồng thông dụng vào Bộ luật, nhưng quy định dưới dạng chung như đối tượng, phạm vi và những vấn đề cốt lõi của từng hợp đồng thông dụng để các ngành luật khác quy định cụ thể”, đại biểu Hương nói.
Phát biểu kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói rằng, đây là bộ luật đang trình Quốc hội lần đầu và có hai kỳ họp tiếp theo nữa Quốc hội thảo luận.
Đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát lại tất cả chế định để có thể phản ánh được ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Từ đó, có được bộ luật lớn, hoàn chỉnh, có chất lượng, trình lấy ý kiến nhân dân vào tháng giêng năm 2015, sau đó, tiếp tục hoàn chỉnh tiếp.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) băn khoăn một số thuật ngữ mới “vật quyền, trái quyền” trong dự thảo luật. Ông Thuyền đặt vấn đề: “Trước đây đã gọi là "tài sản và quyền sở hữu tải sản", bây giờ đổi là "vật quyền" có gì giống và khác nhau? Nội dung không có gì khác, có cần thiết phải đổi không? cần có sự cân nhắc”. Bởi sử dụng từ ngữ sẽ làm cho toà án, kiểm sát hiểu sai, gây oan sai cho dân thì nên sửa. Nếu thấy dùng thuật ngữ ổn định, lâu dài mà không có vấn đề gì... thì không nên sửa. |
Theo Khám phá