Giấc mơ Châu Âu
Ngày 21/12/2014, quảng trường Maidan (Độc Lập) ở Kiev là một địa điểm đầy sống động với các tòa nhà cổ kính xung quanh. Bên cạnh là các trung tâm mua sắm hạng sang và các quán bar cao cấp. Bức tranh toàn cảnh của Kiev một năm trước toát ra sự hào nhoáng đầy tinh tế.
Nhưng đằng sau sự lộng lẫy đó là một mô hình chính phủ tiều tụy. Kiev được xem là một trong những thủ đô nghèo nhất của Châu Âu. Những người về hưu phải bán trái cây và pho mát để kiếm sống qua ngày vì số tiền nhà nước trợ cấp cho họ quá ít ỏi. Sự tuyệt vọng đã lan tràn khắp nơi.
Người biểu tình cực hữu chống đối cảnh sát.
Cảnh sát thì tham nhũng tràn lan và thường hay rình rập trên quảng trường vào ban đêm để bắt những du khách nước ngoài say xỉn hòng kiếm chác từ việc xin đểu với “mức giá” 20 Euro từ lệnh giới nghiêm mà họ tự tạo ra. Đối với nhiều du khách bình thường, Kiev không còn gì hấp dẫn. Nó giống như một người “anh em họ” đổ nát của các thủ đô hào nhoáng như Prague hoặc Budapest những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
Kiev khác với người anh lớn Moscow đã từ chối cải cách và đổi mới vì người dân của nó. Cựu Tổng thống Viktor Yanukovich và bè phái của ông cũng dính vào các cáo buộc tham nhũng và rửa tiền suốt bốn năm cầm quyền.
Chính trị gia sinh tại Donetsk này luôn hứa hẹn sẽ giúp Ukraine gia nhập EU nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của người dân, điều này dường như đã làm phật lòng đồng minh truyền thống Moscow. Nhưng có một thực tế rằng nền kinh tế Ukraine quá yếu đuối để gia nhập liên minh Châu Âu, đồng thời cũng sẽ đánh mất luôn các mối làm ăn với các công ty của Nga nếu lời hứa đó trở thành hiện thực. Nếu không thể xuất khẩu hàng hóa sang các nước thuộc Liên Xô cũ thì nền kinh tế của Ukraine sẽ sụp đổ mà ngay đến EU cũng không thể ngăn được.
Có thể nói, ông Yanukovich đã bán cho người dân của mình một “giấc mơ Châu Âu”. Những người dân đã trải qua nhiều năm trì trệ kinh tế, đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào giấc mơ này, nhất là những người trẻ tuổi luôn hướng đến một Ukraine thịnh vượng hơn dưới vòng tay của liên minh Châu Âu.
Từ quảng trường Độc Lập
Hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn. Tâm lý bất mãn cùng cực dẫn đến các cuộc biểu tình. Vào ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng, một tài khoản Twitter tên 'Euromaidan' được tạo ra như một kênh thông tin chính thức của cuộc biểu tình nhằm giúp người dân thể hiện sự phẫn nộ của họ. Hàng chục chuyên gia nước ngoài và những người di dân Ukraine trở về trung tâm Kiev mà chính xác hơn là quảng trường Maidan để tham gia phong trào.
Euromaidan không phải là một phong trào tự phát mà nó đã được ấp ủ từ lâu. Những người cầm đầu đã đoán đúng về lời hứa hão của Yanukovich về việc gia nhập liên minh Châu Âu. Ngày 24/11, cuộc biểu tình dần bị chuyển hóa thành bạo lực. Trong khi đó các lực lượng tuyên truyền của người biểu tình cũng hoạt động rất mạnh trên phương tiện truyền thông phương Tây.
Ngay sau đó phong trào Maidan bắt đầu thu hút các chính trị gia trên thế giới. Chỉ hai tuần sau cuộc biểu tình đầu tiên, Ủy viên của EU tại Brussels, Catherine Ashton và Thứ trưởng bộ Ngoại Giao Mỹ Victoria Nuland đã xuất hiện trên quảng trường. John McCain cũng đến nhưng mối quan tâm thực sự của ông là các động thái tiếp đến của Kremlin.
Ngày 11/12, Thủ tướng Azarov đề nghị EU và IMF cung cấp một gói 20 tỷ Euro để trang trải nợ nần và vực dậy nền kinh tế. Đáp lại, ông được đề nghị một khoản tiền 640 triệu Euro, bằng 1/40 những gì Kiev cần. Điện Kremlin ngay lập tức xuất hiện và chìa ra gói 15 tỷ Euro, thậm chí còn không gài kèm các điều kiện cải cách kinh tế như EU.
Đến đảo chính đẫm máu
Người Ukraine bắt đầu đứng trước hai ngã rẽ và họ buộc phải lựa chọn. Một nửa đất nước ủng hộ Maidan và nửa còn lại thì không. Điều này đã được dự báo từ trước khi phần lớn người dân miền Tây theo Công Giáo và sản xuất nông nghiệp muốn lựa chọn con đường thân phương Tây. Trong khi miền Đông với các khu công nghiệp khổng lồ, nơi sản xuất phần lớn của cải cho Ukraine lại ủng hộ Moscow với số lượng người nói tiếng Nga chiếm đa số.
Ngày 30/11, Tổng thống Yanukovich bắt đầu sử dụng cảnh sát chống bạo động Berkut để đàn áp biểu tình. Tổng cộng hơn 80 người bị thương. Nhưng tình hình ngày càng tồi tệ dẫn đến bạo động phạm vi lớn ở Kiev.
Cảnh sát đàn áp người biểu tình ở Maidan
Các cuộc bạo động tạm lắng vào dịp đầu năm mới và bùng nổ dữ dội khoảng giữa tháng 2/2014 làm ít nhất 113 người chết. Ngày 18/2, súng đã nổ ở Kiev khi người biểu tình và cảnh sát bắn vào nhau. Tình trạng thiết quân luật được ban bố ở Kiev nhưng các đảng phái cực hữu có xu hướng phát xít mới tiếp tục kích động bạo lực.
Ngày hôm sau, hàng chục người bị giết bởi các tay súng bắn tỉa lạ mặt và đến tận bây giờ không người nào biết rõ họ làm việc cho ai. Chính quyền Kiev hiện tại cáo buộc đó là lực lượng thân Yanukovich nhưng các cuộc điều tra độc lập của Reuters và truyền hình Đức gần đây chỉ ra nhiều điều mờ ám trong quá trình điều tra của chính quyền Kiev.
Trong khi đó, ba ngoại trưởng EU bao gồm Frank-Walter Steinmeier của Đức, Laurent Fabius Pháp và Radoslaw Sikorski của Ba Lan đã đến Kiev để cố gắng thương lượng một hiệp ước hòa bình. Ông Yanukovich đồng ý thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trong vòng 10 ngày và tổ chức bầu cử sớm.
Tuy nhiên các đảng phái cực hữu đã từ chối thương lượng và ông Yanukovich buộc phải chạy trốn. Bất chấp các thỏa thuận đã đạt được trước đó, một cuộc đảo chính đã xảy ra ở Kiev. Các nhà lãnh đạo phương Tây, đáng ngạc nhiên lại đang ủng hộ cho chính phủ có xu hướng phát xít mới này và Ukraine có lẽ sẽ chẳng bao giờ trở lại như trước nữa.
Theo Pháp luật TP.HCM