Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, do Khu quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư.
Đây là công trình trọng điểm của thành phố, bắt buộc phải hoàn thành trước 30/4/2015 để chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 25/11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tín đi kiểm tra tiến độ thi công dự án đường Nguyễn Huệ và tỏ ra sốt ruột vì một số hạng mục vẫn chưa đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 27/11, công trình nâng cấp và cải tạo đường Nguyễn Huệ hiện đang ngổn ngang vật liệu.
Kể từ khi đường Nguyễn Huệ được rào chắn để thi công dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh, buôn bán của người dân và du khách nước ngoài đi lại.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các đơn vị liên quan phải trả lại hơn 10m đường (phần sát nhà dân) trước ngày 10/1/2015 cho người dân hoạt động kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị thi công phải hoàn thiện việc trồng 18 cây dầu (cao khoảng 15m, nặng khoảng 2 tấn/cây) hai bên đường Nguyễn Huệ, đoạn từ Lê Lợi đến Lê Thánh Tôn thời gian tới.
Đoạn đường Lê Thánh Tôn từ Đồng Khởi đến Pasteur (sát mặt tiền trụ sở HĐND, UBND thành phố) phải xong trước 31/12/2014 để tạo thông thoáng cho người dân lưu thông.
Đồng thời đến ngày 20/4/2015 phải xong hết toàn bộ hạng mục để ngày 25/4/2015 thành phố nghiệm thu công trình nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Công trình ngổn ngang vật liệu.
Nhiều hạng mục chưa đảm bảo đúng tiến độ thi công.
Du khách nước ngoài tham quan, mua sắm tại một số cửa hàng trên đường Nguyễn Huệ.
Nhiều shop đồ, cửa hàng... kinh doanh 'ế' khách trầm trọng khi đường Nguyễn Huệ bị rào chắn để thi công.
Cửa hàng này cả ngày trời không có khách đến mua hàng.
'Đại công trình' ngổn ngang vật liệu...
Đường Nguyễn Huệ bị rào chắn để thi công.
Người dân lo lắng vì gặp khó khăn trong kinh doanh, buôn bán.
Thậm chí có cửa hàng còn trương bản kêu gọi khách đến mua hàng bình thường.
Người dân rất mong con đường đắt nhất TP.HCM sớm hoàn thiện phục vụ đi lại trong dịp lễ, Tết. (Ảnh Sỹ Hưng) |
Theo VTCnews