Đi lên từ nghèo khó
Xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) xưa vốn là một vùng đất nghèo khó, giáp ranh một số xã của huyện Diễn Châu. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa. Tuy nhiên, Đô Thành thuộc vùng đất trũng, quanh năm ngập úng nên mất mùa nhiều hơn được.
Trăn trở về tương lai của quê hương nhiều đàn ông trong xã bắt đầu đi làm ăn xa mong tìm được nghề phù hợp để sau này về quê lập nghiệp.
“Thời đó gỗ rừng còn nhiều lắm, nhận thấy buôn gỗ là một nghề nhanh có tiền, đem lại thu nhập nên nhiều người trong làng bắt đầu rời quê ra đi. Có chuyến chúng tôi đi tận hơn một tuần mới về”, ông Nguyễn Thành Minh, xóm trưởng xóm Đông Thị nhớ lại.
Trong quá trình đi buôn gỗ, người dân nhận thấy nhiều sản phẩm thừa từ gỗ vứt bỏ đi rất phí. Họ bắt đầu gom nhặt về đóng tủ, đóng bàn dùng trong sinh hoạt gia đình. Cũng từ đây, Đô Thành hình thành thành nghề mới - làm mộc. Và chính nghề này đã giúp bà con thoát nghèo chứ không phải nghề buôn gỗ nguy hiểm, dễ mất tính mạng.
Lúc đầu chỉ là một vài điểm nhỏ lẻ, thủ công sau người ta mở xưởng, mở rộng kinh doanh và xem đây là nghề chính trong gia đình. Những làng nghề mộc còn ít nên mỗi sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ ngay.
Những năm đó xuống chợ Si (Diễn Châu), chợ Dinh (Yên Thành) và nhiều nơi khác đều thấy sự có mặt của các mặt hàng mộc “made in Đô Thành”.
Nguyên liệu được lấy từ những sản phẩm thừa trong quá trình buôn gỗ để làm nên đem lại thu nhập khá. Đời sống bà con dần dần được nâng cao. Giờ đây Đô Thành không còn là độc canh cây lúa nữa mà việc làm của họ quanh năm không hết. Thời điểm đó, nhà nhà làm mộc, cả xóm, cả xã đều theo nghề mộc.
Diện mạo của xã Đô Thành hôm nay. |
Đến những năm của thập niên 1990, thị trường biến đổi, làng nghề làm mộc mọc lên như nấm, giá cả, lời lãi không còn được như trước nữa. Bà con nơi đây bắt đầu bỏ dần nghề này.
Cùng thời điểm đó, giao thương với các nước bắt đầu phát triển. Vốn nhanh nhạy, nắm bắt kinh tế thị trường, thời cơ rất tốt, dân xã Đô Thành bắt đầu xuất ngoại kiếm tiền về xây dựng gia đình, quê hương.
Trở thành tỷ phú nhờ xuất ngoại
Những năm cuối thập kỷ 1980, đầu 1990, các lao động ở Đô Thành bắt đầu đi xuất khẩu lao động sang Đức, Ba Lan, Anh, Australia… để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Ban đầu toàn xã cũng chỉ có một vài người đi, về sau thấy làm ăn được nên họ về kéo anh em, họ hàng cùng xuất ngoại kiếm tiền. Cứ thế, lượng người "đi Tây" ngày một tăng lên.
Thời kỳ bấy giờ đi xuất khẩu lao động còn dễ nên cứ thấy làm ăn được là họ lại ồ ạt kéo nhau sang đó. Chính nhờ hướng đi này mà người dân nơi đây đã đổi thay một cách chóng mặt.
Sau một thời gian cật lực làm việc bên xứ người, các lao động tự hào đem số tiền mà mình đổ mồ hôi nước mắt làm được về trang trải cuộc sống cho gia đình, sắm sang đồ dùng, xây dựng nhà cửa khang trang. Những ngôi nhà cao tầng bắt đầu mọc lên ngày một nhiều. Chỉ trong thời gian ngắn, Đô Thành thay da đổi thịt một cách chóng mặt.
“Ở làng này nhà có hai, ba thậm chí bốn, năm người đi Tây là chuyện bình thường. Cứ anh sang làm bên đó thấy có tiền là kéo em sang, rồi bác kéo cháu, cha kéo con… cứ thế họ đua nhau đi xuất ngoại”, ông Minh nói rồi kể một loạt hộ được xem là tỷ phú nhờ xuất ngoại.
Theo lời ông Diễn (Trưởng xóm Phú Vinh) cả làng hiện nay có hơn 300 hộ với gần 1.000 lao động. Trong đó có gần 1/3 đi làm ăn ở các nước. Có thời điểm con số này lên đến hơn 1 nửa. Nhờ nguồn lao động này mà xóm trở nên trù phú, giàu có, đời sống bà con cũng như cơ sở vật chất hạ tầng được nâng lên rõ rệt”.
Ông Nguyễn Đức Hòe là một trong những gia đình đầu tiên khởi xướng cho phong trào đi Tây làm kinh tế, hiện ông vẫn còn bốn người con sinh sống bên Đức. |
Điển hình như gia đình ông Bính (nguyên xóm trưởng Đông Thị) cũng nhờ có ba người con đi xuất khẩu lao động nên mới xây dựng được cơ ngơi khang trang.
Cách nhà ông Bính không xa là hộ ông Nguyễn Đức Hòe. Ông Hòe có tới ba người con trai, một con gái và một cô con dâu đang làm ăn ở Đức.
Bước vào căn biệt thự của gia đình ông, khách thăm không khỏi choáng váng trước sự đồ sộ của nó. Với lối thiết kế phương tây cổ độc đáo, đây được xem là căn nhà “khủng” nhất vùng đất này với giá xây dựng lên đến nhiều tỷ đồng từ năm 2004.
Ông Hòe tâm sự, trước đây gia đình ông rất nghèo, nhưng từ khi nhà nước có chính sách mở cửa, các con của ông được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động. Lúc đầu là người anh đi, khi ổn định thì đưa em sang.
Lần lượt như thế, hiện tại ông có bốn cậu con trai thì ba cậu đang "sống bên Tây". Ở làng này, gia đình ông Hòe là một trong những tỷ phú của làng khối tài sản không kém cạnh với những đại gia thành phố.
Biệt thự của gia đình ông Hòe làm đã lâu nhưng với kiến trúc phương Tây nên không lỗi thời. |
Ngoài gia đình ông Hòe thì còn rất nhiều gia đình khác có ba đến bốn người con đi xuất khẩu lao động như gia đình ông Nguyễn Đức Hải. Ông Hải có hai con trai, một con gái và một con dâu đang ở châu Âu. Ông cũng là một trong những gia đình được liệt vào danh sách đại gia "khủng" ở vùng Đô Thành này.
Những năm gần đây, thị trường Lào làm ăn dễ dàng nên một bộ phận lao động ở Đô Thành bắt đầu sang đây tìm kiếm cơ hội làm giàu, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một khu làng Việt kiều Lào với những công ty, doanh nghiệp được dựng lên bên bờ kênh Vực Bách, trở thành một trong những xóm tỷ phú của xã Đô Thành.
Giờ về Đô Thành, nếu nhìn biệt thự tiền tỷ, xe hơi hạng sang mà thốt lên ngạc nhiên thì “xưa như trái đất”.
"Biệt thự, xe con bóng loáng được người dân ở đây xem như là một nhu cầu bình thường trong cuộc sống thường ngày mà thôi", một người dân chia sẻ.
Theo Zing