Vợ sinh con, chồng được nghỉ: Có dám nghỉ không?

Chủ nhật, 14/12/2014, 07:02
Ở nhiều doanh nghiệp, người lao động hưởng lương chủ yếu theo khối lượng sản phẩm. Nếu nghỉ việc chăm vợ, người chồng sẽ không làm đủ chỉ tiêu và chỉ được doanh nghiệp trả đồng lương ít ỏi.

Một trong những nội dung mới trong Luật Bảo hiểm Xã hội vừa được Quốc hội thông qua là chế độ thai sản đối với lao động nam khi có vợ sinh con. Theo đó, nếu người vợ sinh con, chồng sẽ được cơ quan cho nghỉ việc để chăm sóc và vẫn hưởng lương theo chế độ thai sản.

Nhiều người vẫn băn khoăn về cách thực hiện đối với quy định này.

Trả lời chúng tôi, bà Trần Thị Thúy Nga (Vụ trưởng Vụ BHXH, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Bảo hiểm Xã hội) cho biết, quy định này là điểm mới và có lợi cho người lao động.

Đây là chế độ thai sản dành cho nam giới là người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp mà đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Khi vợ sinh con, chồng sẽ được nghỉ việc và hưởng nguyên lương theo mức đóng bảo hiểm xã hội. Kể cả trường hợp vợ không đóng bảo hiểm xã hội, chồng vẫn được hưởng chế độ này.

 - 1

Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH (Ảnh: baohiemxahoi.gov.vn)

Người chồng chỉ việc nộp giấy chứng sinh của vợ cho cơ quan công tác để làm chế độ thai sản theo quy định pháp luật.

Nghỉ chăm vợ thì lương thấp

Theo ông Nguyễn Văn Tiên (Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội), việc áp dụng chế độ đối với đơn vị hành chính sự nghiệp hay khối doanh nghiệp tư nhân đều như nhau. Dù nhà nước hay tư nhân đều phải thực hiện đúng quy định pháp luật.

Đương nhiên, pháp luật đề ra thì phải thực hiện nhưng ông Tiên thừa nhận, đối với khối doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam như hiện nay, người lao động có thể vẫn chịu đôi phần thiệt thòi khi thực hiện chính sách này.

Ông Tiên phân tích: Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân thường khoán sản phẩm. Nếu người lao động không làm việc thì không được hưởng phần năng suất này. Thậm chí vì việc khoán theo năng suất mà nhiều người lao động đành cố làm thêm quá giờ quy định.

 - 2

ĐBQH Nguyễn Văn Tiên (Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội)

Vào thời gian vợ sinh, doanh nghiệp vẫn cho người chồng nghỉ việc. Nhưng khổ nỗi, khối lượng công việc được giao còn nhiều mà người chồng chưa thể hoàn thành. Như vậy, thu nhập, lương bổng sẽ giảm đi đáng kể. Mặt khác, người lao động bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ và chỉ được hưởng một mức lương đóng bảo hiểm rất thấp.

"Điều này khiến chính sách về chế độ thai sản đối với lao động nam ít nhiều giảm đi ý nghĩa", ông Tiên nói.

Cũng theo ông Tiên, thực ra, số ngày nghỉ phép của người chồng trong Luật vẫn còn ít. Chế độ thai sản đối với lao động nam là chính sách đã được nhiều nước áp dụng từ lâu, đặc biệt là các nước phương Tây. Có nước quy định cho phép người chồng được nghỉ việc tới 2 tháng khi vợ sinh con.

Việt Nam mới đưa ra chính sách này nhằm phù hợp với xu hướng phát triển, bình đẳng giới, cũng là khuyến khích, bảo vệ người lao động. Đây cũng là sự thể hiện xã hội Việt Nam dần văn minh hơn.

Khi được hỏi, với lực lượng bộ đội, công an làm nhiệm vụ xa xôi, hải đảo thì chế độ áp dụng thế nào, ông Tiên cho rằng, những người này sẽ được cộng thêm vào số ngày nghỉ phép.

Cho nghỉ chưa chắc dám nghỉ

Với việc hưởng lương theo sản phẩm thị trường việc làm cạnh tranh như hiện nay, vấn đề đặt ra là một công ty nào đó không cho người chồng nghỉ khi vợ đẻ thì cơ quan nhà nước có chế tài gì xử lý? Bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, khi đó, người lao động có thể báo với thanh tra lao động để xử lý doanh nghiệp vì đã vi phạm pháp luật.

Khi được hỏi về việc sinh con thứ 3, thứ 4, bà Nga cho hay, chế độ thai sản đối với lao động nam được áp dụng trong trường hợp sinh con đầu hay con thứ ba, thứ tư đều như nhau.

"Luật Bảo hiểm xã hội không phân biệt áp dụng chế độ về số lần sinh." - Bà Nga nhấn mạnh.

Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý - Hà Nội) cho rằng, ở góc độ luật pháp, quy định này hoàn toàn có thể thực hiện được. Theo luật sư Kiên, chủ trương này hướng đến quyền lợi của người lao động. "Nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân chắc chắn không ủng hộ chủ trương này", ông Kiên nói.

Trước câu hỏi, có thể một số doanh nghiệp sẽ gây áp lực để người lao động không dám nghỉ, luật sư Kiên cho rằng, người lao động có thể yêu cầu cơ quan quản lý lao động bảo vệ mình. Nếu cần, người lao động có thể khởi kiện ra tòa dân sự đòi quyền lợi.

Theo ông Kiên, một số trường hợp bị hạn chế về việc sinh con thứ 3, thứ 4 vẫn phải được áp dụng chế độ này. Vì theo luật sư Kiên, việc xử lý sinh con trái chính sách dân số đã có cơ quan, đơn vị xử lý theo quy chế công chức. Còn chế độ thai sản là áp dụng theo Luật bảo hiểm xã hội. Hai vấn đề không liên quan đến nhau.

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày người vợ sinh con.

Theo Khám phá

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích