Gặp khó khi khách say không chịu gửi xe lại cho nhà hàng

Chủ nhật, 14/12/2014, 07:24
Khách say được nhà hàng bố trí người đưa về nhưng giá xe “cắt cổ” thì làm thế nào? Xe của khách gửi lại mà bị hỏng, ai chịu trách nhiệm?

Nhiều chủ nhà hàng cho rằng, việc tổ chức dịch vụ trông xe và đưa khách say bia rượu về tận nhà là cần thiết và nên triển khai sớm. Tuy nhiên, mô hình này cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi triển khai.

Như đã đưa tin, Ủy ban ATGTQG đang phối hợp với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông" tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ vận động một số nhà hàng, quán nhậu thực hiện chủ trương này. Khách vào quán uống rượu bia xong thì khách đi phương tiện công cộng về (taxi hoặc xe ôm). Nhà hàng thường xuyên kết nối số điện thoại taxi ở gần, phương tiện của khách gửi lại cho nhà hàng. Thậm chí, nếu khách lo sợ mất xe, nhà hàng có thể cử người lái đưa cả người cả xe về nhà.

 - 1

(Ảnh minh họa)

Gửi xe lại mà hỏng, ai chịu trách nhiệm

Bà Hoàng Thu Giang (GĐ Công ty phân phối rượu Vodka Men) cho rằng, cách làm này đã được nhiều nhà hàng ở TP.HCM thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng các chủ nhà hàng làm hoàn toàn tự phát. Thậm chí, có nhà hàng còn thuê cả người biết lái ôtô để lái xe giúp khách về tận nhà.

Tuy nhiên, các dịch vụ này chủ yếu chỉ dành cho khách hàng đi xe ôtô đến quán chứ ít áp dụng cho xe máy. Theo bà Giang, chủ trương của Ủy ban ATGTQG là cần thiết.

"Chuyện bia rượu của người Việt là không thể tránh được. Dù bị cấm đoán, nhiều người vẫn sẽ tìm cách lách luật để uống bia rượu. Trong khi đó, không những say mà trong người chỉ cần có hơi men là có thể bị CSGT xử phạt", bà Giang nhận xét.

Tuy nhiên, bà Giang cho rằng, khi Ủy ban ATGTQG phối hợp với các nhà hàng thực hiện chủ trương, sẽ phải tính đến một số vấn đề khá phức tạp. Trong đó là sự tranh chấp giữa khách với nhà hàng về chi phí.

"Sẽ phải tìm cách kiểm soát giá của những chuyến xe đưa khách về nhà?", bà Giang đặt vấn đề.

Bà Giang nêu ví dụ: Chặng đường từ quán về nhà, đáng lẽ khách chỉ đi taxi hết 50.000 đồng. Nhưng vì nhậu say, cước taxi phát sinh thành 200 - 300 nghìn đồng. Điều này có thể phát sinh từ tài xế taxi hoặc nhân viên nhà hàng.

Mặt khác, có những người khách đi xe đắt tiền đến quán. "Khi gửi xe lại mà hỏng hóc, trầy xước, ai sẽ phải chịu trách nhiệm", bà Giang nói thêm. Hơn nữa, không phải nhà hàng nào cũng chuẩn bị được điểm trông giữ xe cho khách.

Vì vậy, theo bà Giang, để thực hiện hiệu quả chủ trương này còn có nhiều điều mà Ủy ban ATGTQG phải tính toán.

Ủy ban ATGTQG cũng cần phải tính đến chế tài đối với sự cam kết của các nhà hàng. Có nhà hàng cam kết nhưng không thực hiện thì chủ trương lại trở thành vô nghĩa. Vì vậy, cơ quan chức năng phải tìm biện pháp để kiểm soát điều này.

Chỉ là giải pháp tạm thời

Trước chủ trương của Ủy ban ATGTQG, nhiều ý kiến cho rằng, điều đó có thể ảnh hưởng đến doanh thu của nhà hàng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia rượu. Tuy nhiên, đại diện một hãng chuyên sản xuất đồ uống và bia rượu phủ nhận điều này.

Theo nhà sản xuất này, chủ trương của Ủy ban ATGTQG hoàn toàn có lợi cho khách đến nhà hàng ăn nhậu. Còn các doanh nghiệp bia rượu, nhà hàng có tăng lợi nhuận hay không phụ thuộc chất lượng và giá cả của sản phẩm.

Cũng có quan điểm cho rằng chủ trương này khuyến khích nhiều người uống rượu hơn. Nhưng theo vị đại diện này, uống bia rượu là do sở thích của mỗi người. Khi đã thích uống thì dù có bị cấm người ta vẫn tìm cách uống.

Một CSGT nhiều năm công tác tại Hà Nội cũng ủng hộ chủ trương này và cho rằng, như vậy, lực lượng CSGT sẽ giảm được nhiệm vụ tuần tra xử phạt về lỗi lái xe uống bia rượu.

Tuy nhiên, cán bộ này cho rằng, chủ trương của Ủy ban ATGTQG vẫn chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh việc xử lý người lái xe uống bia rượu chưa thể thực hiện triệt để.

Về lâu dài, để chấm dứt được chuyện rượu bia lái xe, không có cách nào khác là phương tiện giao thông công cộng tốt lên và việc xử lý phải mạnh tay, triệt để. Cũng như ở nhiều quốc gia, người uống bia rượu lái xe phải bị xử phạt thật nặng.

Bà Trần Thị Liên chủ một nhà hàng lớn nằm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, việc làm này là rất thực tế và cần triển khai rộng. Chính nhà hàng của bà Liên từ lâu đã thực hiện chủ trương này.

Bà Liên cho biết, luôn yêu cầu nhân viên nếu thấy khách đến quán uống nhiều bia rượu phải thuyết phục khách để xe lại nhà hàng trông giúp. Chính nhân viên của bà Liên sẽ đưa khách về tận nhà hoặc gọi taxi giúp.

Theo bà Liên, không cần phải thí điểm mà tất cả nhà hàng nên thực hiện chủ trương này.

Theo Khám phá

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích