Thế giới ngầm nô lệ tình dục ở Nga

Chủ nhật, 14/12/2014, 15:03
Tờ Moscow Times vừa có bài viết về thực trạng tệ nạn mại dâm ở Nga, nơi nhiều cô gái đang sống cuộc đời của các nô lệ tình dục thời hiện đại.
1

Một gái mại dâm trong "động quỷ" ở Nga. Ảnh: Moscow Times

Zhenya, một cô gái trẻ người Nga, đã rất may mắn. Một vị khách thương cảm với hoàn cảnh của cô đã cứu cô ra khỏi nhà chứa. Trước đó, cuộc đời của cô là những tháng ngày sống trên phố với những người ăn xin Digan từ năm lên 12 tuổi. Một người đàn ông trông tử tế đã đưa cô đi xem phim, mua quần áo đẹp và rồi bán cô cho một "động quỷ".

Giờ Zhenya đã được an toàn, nhưng hàng ngàn nô lệ tình dục khác ở Nga vẫn đang chờ một người tốt bụng tới và cứu họ. Theo các nhà hoạt động chống buôn người, đây cũng là hy vọng tốt nhất của họ, bởi chính quyền và xã hội thích nhìn theo hướng khác.

Trong khi Nga có thể "nổi tiếng" vì lực lượng gái bán hoa nội địa có giá rẻ, những ngày này hoạt động "nhập khẩu" các cô gái bán hoa đã tăng lên mạnh do nền kinh tế khá ổn định trong nước đã thúc đẩy nhu cầu mua dâm.

Một báo cáo mới được công bố gần đây trước Ngày xóa bỏ chế độ nô lệ nói rằng Nga giờ là điểm đi, điểm đến và cả điểm trung chuyển của các nô lệ tình dục. Những cô gái bị ép bán dâm này nằm trong một lực lượng nô lệ hiện đại đông tới một triệu người vẫn đang tồn tại ở Nga.

Nhưng cả chính phủ lẫn cơ quan lập pháp đều lờ đi vấn đề vì sợ nó gây hại tới danh tiếng của Nga, theo nhận xét của nhà hoạt động Boris Panteleyev.

"Trong con mắt của các quan chức, thừa nhận sự tồn tại của hoạt động nô lệ, sẽ làm tổn hại danh tiếng của chúng tôi", Panteleyev, người lãnh đạo tổ chức Man & Law NGO và là một cựu công tố viên đã chống buôn người kể từ những năm 1990, cho biết.

Kết quả là các nô lệ tình dục ở Nga vẫn phải chật vật sinh tồn ngay cả khi đã được tự do. Họ phải dựa vào các tổ chức phi chính phủ, các giáo sĩ và sự rộng lượng của cảnh sát, trong bối cảnh Nga không có các chương trình tái hòa nhập và bảo vệ dành cho họ.

"Luật hình sự của Nga vẫn chưa đầy đủ và luật hiện hành không nói gì về việc giúp đỡ các nạn nhân cả", Yelena Timofeyeva, thuộc tổ chức từ thiện SafeHouse, nói.

Một triệu "nô lệ"

Nga hiện là quốc gia có quy mô lực lượng "nô lệ" đông thứ 6 thế giới, tới 1 triệu người, theo thống kê do Quỹ Bước đi tự do (Walk Free) có trụ sở ở Australia thực hiện và công bố vào tuần trước.

Báo cáo đánh giá tổng số nô lệ hiện đại đang sống ở 167 quốc gia trên thế giới là 35 triệu người. Ấn Độ là nước đứng đầu danh sách với 14 triệu nô lệ, trong khi Mauritania có tỷ lệ nô lệ trên quy mô dân số cao nhất (4%).

Báo cáo không phân biệt giữa các dạng cưỡng bức lao động, nhưng nói rằng ngành công nghiệp tình dục nằm trong nhóm lớn thường sử dụng các nô lệ Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã hạ Nga xuống bậc 3, mức xếp hạng thấp nhất, trong Báo cáo buôn người thường niên công bố hồi năm 2013.

Timofeyeva nói rằng ngay cả những người được giáo dục tốt, nhận thức tốt cũng có thể trở thành nạn nhân của hoạt động buôn người. "99% những người chúng tôi làm việc cùng đều nói rằng họ không ngờ chuyện thế này sẽ xảy tới với mình", bà cho biết. "Nhiều người mới ra trường thường kỳ vọng sẽ có việc làm với thu nhập cao. Điều này khiến họ dễ thành các nạn nhân."

Nhưng người nghèo mới là nhóm chịu rủi ro lớn nhất. Các chuyên gia nói rằng 1/3 những người phụ nữ lớn lên tại Nga, trong các trại trẻ mồ côi dành cho bé gái, đã trở thành nô lệ tình dục chỉ trong vòng 1 năm kể từ khi bắt đầu cuộc sống trưởng thành.

Các hoạt động bắt cóc giữa ban ngày ít khi xảy ra. Nạn nhân thường bị lừa đi vào ổ quỷ, sau khi được hứa hẹn về việc làm với thu nhập tốt. Tại các ổ chứa, nạn nhân thường bị đánh đập, lạm dụng và buộc phải làm công việc họ không mong muốn.

Cung và cầu

Theo lời bà Timofeyeva, chỉ buôn ma túy mới mang lại nhiều lợi nhuận hơn hoạt động buôn người. Có ít số liệu thống kê, nhưng dữ liệu mà tờ Moscow Times thu được từ Bộ Nội vụ Nga đã chứa thông tin về 900 vụ buôn người, lạm dụng và liên quan tới hoạt động mua bán dâm. Các vụ này đã xảy ra chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013.

Các chuyên gia tội phạm học ước tính chỉ có 1/9 các vụ phạm tội kiểu này được phanh phui. Như thế, ít nhất 8.000 người hiện đang là nô lệ tình dục ở Nga. Con số có thể còn lớn hơn, do mỗi vụ thường có nhiều hơn 1 nạn nhân.

Các chuyên gia đánh giá Ukraine, Moldova và một số nước vùng Baltic là những nơi cung cấp nô lệ tình dục cho Nga. Một xu hướng mới xuất hiện là các nhóm dân tộc sống ở Nga cũng "nhập khẩu" phụ nữ từ quê hương, gồm Trung Quốc, các nước Cộng hòa Trung Á, các nước châu Phi và cả Việt Nam, tới làm việc tại các nhà thổ của chúng.

Một trong những trang web được nhiều gái bán hoa ở Moskva sử dụng đã cho phép khách ghé thăm được lựa chọn các cô gái họ thích theo quốc tịch. Trang này có chủ yếu là các cô gái Nga (2.300 người), nhưng danh mục "phụ nữ da đen" đứng thứ 2 với 236 người. Ba danh mục khác liên quan tới phụ nữ châu Á có tổng cộng 164 người.

Không thể biết được có bao nhiêu người hoạt động trên trang web này là nạn nhân của hoạt động buôn bán nô lệ.

Lãnh đạo cơ quan chống buôn người của Bộ Nội vụ Nga là Alexei Arkhipov từng tuyên bố hồi tháng 10 rằng số các cô gái bán hoa ở Nga bị "xuất khẩu" ra nước ngoài đã giảm đi trong vòng 6 năm qua do các vấn đề liên quan tới visa (thị thực) và sự suy giảm kinh tế của các nước ngoài Nga.

Nhưng báo cáo của Walk Free nói rằng Nga vẫn là cổng buôn người ở khu vực lục địa Á-Âu. Phần lớn các nạn nhân là nữ giới. Tuy nhiên Timofeyeva cho biết tại một số khu vực ở St. Petersburg, có cả nạn nhân là nam giới.

Một viên cảnh sát đề nghị giấu tên nói với Moscow Times rằng gái bán hoa kiếm được trung bình từ 150 - 250 USD trên mỗi khách hàng. Như thế, một nhà thổ với hơn 20 cô gái bán hoa có thể kiếm được số tiền từ 600.000 - 2,5 triệu USD mỗi tháng.

Các "nô lệ" vô hình

Bất chấp quy mô lớn của ngành công nghiệp này, hiện vẫn không có nơi đón nhận và tái hòa nhập các nô lệ tình dục đã được tự do ở Nga. Tổ chức di cư quốc tế (IOM) có hai điểm đón nhận đặt tại St. Petersburg và Moskva.

Tuy nhiên cả hai nơi này đều nhận về đủ loại người nhập cư đang cần tái hòa nhập, từ lao động trái phép cho tới nạn nhân bị buôn người. Pawel Szalus, điều phối viên của IOM ở Nga nói rằng cả hai nơi chỉ chứa được khoảng hơn 20 người - con số chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ.

Theo ông, các tổ chức chính phủ ở Nga đã làm những gì họ có thể. Tuy nhiên Nga không có các chương trình hoặc tổ chức đặc biệt chuyên hỗ trợ và tái hòa nhập các nạn nhân buôn người.

Vài nghị sĩ Nga đã từng lên tiếng chống lại nạn buôn bán nô lệ tình dục. Nổi tiếng trong số đó là Phó Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Yelena Mizulina, người không chỉ chống nạn buôn nô lệ tình dục mà còn đưa ra các dự luật chống người đồng tính và ngăn cản người Mỹ nhận nuôi trẻ mồ côi Nga.

Nhận thức về vấn đề nô lệ tình dục gần như không tồn tại. Nga hầu như chẳng làm gì trong lĩnh vực này, dù năm 2012, Bộ Nội vụ có xuất bản một số thông tin về vấn đề.

"Lạm dụng tình dục chảy mạnh trong xã hội Nga", bà Timofeyeva nói. "Chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân".

Trong báo cáo của Walk Free, Nga nhận điểm thấp nhất, điểm C, trong việc thực hiện các biện pháp chống buôn người. Báo cáo nói rằng các hoạt động của chính quyền diễn ra thưa thớt và còn bị ảnh hưởng bởi nạn tham nhũng.

Nga ghi điểm chấp nhận được ở lĩnh vực trừng phạt những kẻ buôn người (điểm 52/100). Tuy nhiên hoạt động hỗ trợ nạn nhân chỉ được có 33 điểm.

Các tổ chức từ thiện như SafeHouse của Timofeyeva đang cố gắng lấp đầy khoảng trống, thông qua các buổi tọa đàm ở trường học, qua cam kết đầu tư thời gian, tiền bạc và phương thức tái hòa nhập cho các nạn nhân.

Song những tổ chức từ thiện này chỉ mới giúp đỡ được một bộ phận nhỏ nạn nhân. Hoạt động của họ còn bị ảnh hưởng bởi Nga không ủng hộ các tổ chức phi chính phủ làm việc độc lập.

Kế hoạch của SafeHouse trong việc mở đường dây nóng và nơi trú ẩn cho các nạn nhân buôn người ở Nga đã bị hỏng vào năm 2012, bởi Nga ra lệnh trục xuất tổ chức USAID khỏi nước này. USAID là nơi bơm tiền cho kế hoạch của SafeHouse.

Hiện nay, các tổ chức từ thiện và cảnh sát đều nói rằng tình hình đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn những năm 1990, khi nhiều cô gái Nga bị buôn bán xuyên biên giới, trong những xe tải chở hàng.

Rất có thể các nạn nhân sẽ giúp nhà nước Nga đi đúng hướng hơn. Ít nhất, đó là kế hoạch của nạn nhân có biệt danh Angelina.

Angelina cho biết cô đã bị lừa vào làm việc tại một công ty cung cấp dịch vụ khiêu dâm qua điện thoại khi đang là sinh viên ngành kế toán. Sau một thời gian, người quản lý đã thuyết phục cô làm "chân dài tháp tùng" các đại gia. "Không có chuyện quan hệ tình dục đâu", gã này hứa hẹn. Tuy nhiên sau đó cô bị đánh thuốc và tỉnh dậy trong một căn hộ chung cư bị khóa kín. Tại đây, cô bị buộc phải đóng phim khiêu dâm trước máy thu hình.

Trong một cuộc đột kích của cảnh sát, Angelina được giải cứu. Những kẻ hãm hại cô phải vào tù. Sau này Angelina đã tốt nghiệp một trường cao đẳng kỹ thuật và tìm được việc làm. "Nhưng tôi vẫn mơ ước được làm việc trong ngành cảnh sát để cứu các cô gái như mình", Angelina chia sẻ với Moscow Times.

Theo Vietnam+

Các tin cũ hơn