Những nạn nhân trong trường hợp này gồm cả những người phụ nữ bị ép buộc phải bán dâm, trẻ em bị bóc lột sức lao động, người bị buộc phải lao động trên những cánh đồng, trong các nhà máy hay trên tàu đánh cá.
Cụ thể, Bộ Nội vụ Anh cho biết, số nô lệ thời hiện đại ở nước Anh trong năm ngoái dao động từ 10.000 đến 13.000 người. Đây có thể xem là ước tính khoa học đầu tiên về quy mô tình trạng nô lệ hiện đại ở nước này.
Một gái mại dâm đứng đường. |
Số liệu trên được tổng hợp từ nhiều nguồn cảnh sát, Lực lượng Biên phòng Anh (BF), các tổ chức từ thiện và Cơ quan theo dõi tội phạm (GLA), trang The Guardian cho biết thêm.
Trước đó, Trung tâm Chống buôn người thuộc Cơ quan Phòng chống tội phạm quốc gia đưa ra con số ước lượng về những nạn nhân của tình trạng nô lệ hiện đại ở Anh trong năm 2013 chỉ vào khoảng 2.744 người.
Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May, nói rằng quy mô bóc lột và lạm dụng thực sự "gây sốc".
"Bước đầu tiên để loại bỏ nạn nô lệ hiện đại là thừa nhận và đương đầu với sự tồn tại của nó", bà nói. "Quy mô ước tính vấn nạn này ở nước Anh thời hiện đại thật gây sốc và các con số mới cho thấy cần hành động gấp".
Bà May nêu rõ, nước Anh cần đẩy mạnh phối hợp với các đối tác ở mọi cấp độ để xử lý vấn nạn không chỉ ở nước này mà cả ở tầm quốc tế, nhằm chấm dứt nỗi thống khổ mà những người dân vô tội đang phải chịu đựng.
Mới đây, CNN dẫn báo cáo nô lệ toàn cầu hàng năm lần hai của quỹ Walk Free cho biết, hiện có 36 triệu người đang ở cảnh nô lệ thời hiện đại, chủ yếu tại các nước nghèo, các nước đang xảy ra chiến sự hoặc xung đột.
Bản chỉ số gồm 167 nước cho thấy Ấn Độ đến nay là nước có số nô lệ lớn nhất. Có tới 14,3 triệu người trong tổng số dân 1,25 tỷ người của Ấn Độ là nạn nhân chế độ nô lệ, từ người mại dâm tới lao động cưỡng ép.
Báo cáo định nghĩa nô dịch là kiểm soát hoặc sở hữu con người theo cách tước đoạt của họ quyền tự do với ý định bóc lột họ vì lợi nhuận hay thỏa mãn tình dục, thường là thông qua bạo lực, cưỡng ép hay đánh lừa.
Theo báo cáo trên, số lượng nô lệ trên toàn thế giới đã tăng 20% so với năm ngoái. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính rằng, lao động cưỡng bức đã tạo ra được 150 tỷ USD lợi nhuận bất hợp pháp mỗi năm.
Theo VNN