Người biểu tình áp sát hàng rào cảnh sát để tiến đến trụ sở chính quyền - Ảnh: Reuters |
Tối 30/11, Liên hội sinh viên Hồng Kông (HKFS) và Học dân Tư triều, hai nhóm sinh viên đi đầu trong phong trào chiếm đóng đường phố Hồng Kông, đã kêu gọi hàng ngàn người tập trung về khu biểu tình tại Kim Chung (Admiralty) – vốn là nơi tập trung nhiều lều trại nhất. Người biểu tình được dặn dò mang theo vật dụng bảo vệ như mũ bằng chất liệu cứng, mặt nạ, kính bơi… theo South China Morning Post.
Đám đông đã phủ kín khu vực xung quanh trụ sở chính quyền Hồng Kông và công viên Thiêm Mã, cố gắng phá vỡ hàng rào cảnh sát tại một số điểm.
Reuters cho biết người biểu tình đã tràn tới đường Lung Wo – con đường dẫn vào trụ sở chính quyền Hồng Kông và đã được thông xe hồi tháng trước – và từ chối rời khỏi đây. Bị chặn lại, họ áp sát những hàng rào cảnh sát và hô to: “Chúng tôi muốn phổ thông đầu phiếu”.
Hội liên hiệp sinh viên Hồng Kông và nhóm Học Dân Tư Triều (Scholarism) cho rằng việc bao vây trụ sở chính quyền và văn phòng Đặc khu trưởng vào đêm 30/11 chỉ nhằm mục tiêu “đòi quyền bầu cử thực sự dân chủ và phổ quát”, theo thời báo Hoàn Cầu.
"Chúng tôi không gây phương hại cho cảnh sát và phá hủy các cơ quan công quyền, nguyên tắc phi bạo lực sẽ được duy trì, hành động của chúng tôi chỉ nhằm đối phó với cách ứng xử của chính quyền Hồng Kông những ngày vừa qua", La Quán Thông, đại diện Hội liên hiệp sinh viên Hồng Kông phát biểu trước báo giới.
Cảnh sát dùng hơi cay để ngăn chặn đám đông với ý định bao vây trụ sở chính quyền - Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, bột ớt, chó và gậy gộc đã được cảnh sát dùng đến, người biểu tình bị chặn lại, không thể tiến sát trụ sở chính quyền. Đã có nhiều người bị thương, cảnh sát bắt giữ ít nhất 18 người, theo Reuters. Trong khi đó, nguồn tin AP cho biết có 40 người bị bắt.
Tại khu biểu tình vừa bị dẹp bỏ cách đây ít hôm là Vượng Giác (Mong Kok), buổi tối 30/11, xô xát lại nổ ra sau một ngày đêm yên ắng. Tuy nhiên, bạo lực tại Vượng Giác tạm lắng xuống sau khoảng 10 phút, để lại khu vực này không khí giằng co, căng thẳng giữa đôi bên.
Theo số liệu từ South China Morning Post, trong đêm 30/11, cảnh sát đã huy động 3.000 người đến Kim Chung và 4.000 ở Vượng Giác. “Người biểu tình cần tôn trọng pháp luật và quyết định của tòa án”, Giang Mẫn Cường, người phụ trách quan hệ công chúng của Sở cảnh sát Hồng Kông phát biểu với báo giới.
CNN dẫn tuyên bố trước đó từ cảnh sát rằng người biểu tình không nên phong tỏa khu vực trụ sở chính quyền Hồng Kông, nếu không họ sẽ “quyết tâm sử dụng các biện pháp cần thiết”.
Giám đốc Sở Giáo dục Hồng Kông Ngô Khắc Kiệm lo ngại bạo động sẽ xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình trong vài ngày tới, bạo lực sẽ trở thành công cụ của người biểu tình vào thời điểm này, ông Ngô chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Sau một tháng yên ắng với khá ít người bám trụ, khu Kim Chung trong đêm 30/11 lại tràn ngập người biểu tình - Ảnh: Reuters |
Lời kêu gọi đẩy mạnh biểu tình tại Kim Chung của Hội liên hiệp sinh viên Hồng Kông và Học dân Tư triều đến sau một tuần xung đột nổ ra dữ dội tại Vượng Giác. Tại đây, cảnh sát thi hành lệnh của tòa án, giải tán lều trại của người biểu tình, cho thông xe con đường bị chiếm đóng.
Trước đó, tờ Tinh Đảo Nhật Báo cho rằng, Hội liên hiệp sinh viên Hồng Kông đã dùng các trang mạng xã hội để kích động phong trào chiếm trụ sở chính quyền và văn phòng Đặc khu trưởng vào ngày 28/11, “chính quyền vẫn cố tình phớt lờ yêu cầu của chúng ta, mặc dù sự kiên trì của chúng ta đã bước sang tháng thứ 3”.
Tờ Văn Hối (Hồng Kông) dẫn các trang mạng xã hội cho rằng người biểu tình sẽ dùng bạo lực tấn công cảnh sát nhằm “thực thi công lý và hòa bình cho người dân đặc khu”, và gọi những người dám tấn công cảnh sát là những “anh hùng thời đại”.
Theo Thanh Niên