Phan Ái Hồng Trang – 25 tuổi, sinh ra tại Biên Hòa, Đồng Nai, lớn lên tại thủ đô Hà Nội và hiện là cô chủ nhỏ của một cửa hàng đồ handmade tại TP.HCM.
Biết đến công việc nuôi hổ qua một người em trước đó đã từng làm, Hồng Trang quyết định đăng ký làm tình nguyện viên ngay sau khi tìm hiểu thêm thông tin từ website chương trình. Sau đó khoảng hơn 3 tháng, cô nhận được thư hồi âm với sự chấp thuận từ phía chùa Wat Pa Lang Bua, tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan. Trang là gương mặt thứ hai của Việt Nam được chọn làm tình nguyện viên sang chăm sóc hổ tại đây.
Làm quen với chúa sơn lâm
Trước khi trở thành tình nguyện viên chăm sóc hổ, Trang đã nhiều lần đặt chân trới đất nước Thái Lan nên cảm giác trong chuyến đi lần này đối với cô không quá xa lạ ngoài sự hoang dã và thanh bình tại khu nuôi động vật. Đây là một ngôi chùa có khuôn viên rộng lớn và là nơi nuôi dưỡng hơn 140 con hổ và nhiều loài thú khác.
Trong ngày đầu tiên, Hồng Trang cùng 10 tình nguyện viên đến từ những quốc gia khác được dẫn đi tham quan cả khu chùa. Sự to lớn của chúa sơn lâm cũng khiến cô bạn có đôi chút sợ hãi. Nhưng sau khi làm quen và nắm được những đặc điểm, kỹ năng cơ bản cùng với tính cách của con vật, Trang bắt kịp với nhịp độ và cảm thấy thích thú với công việc này.
Cô chia sẻ: “Trước khi bắt tay vào công việc, mình được học tất cả những kiến thức cơ bản: Tuyệt đối không bao giờ được quay lưng lại với hổ, không ngồi thấp xuống trước mắt chúng cũng như đeo kính râm và mặc quần áo màu mè, lấp lánh. Điều quan trọng là chạm tay vào hổ thì phải chạm thật chắc. Chúng không thích vuốt ve nhẹ nhàng. Ngoài ra, các tình nguyện viên còn phải tự canh chừng cho nhau, đề phòng hổ bất ngờ nổi giận sau lưng mà không kịp để ý. Sau khi nắm được những điều cơ bản ấy, thì mình cần coi những chú hổ đó là bạn. Khi ấy, hổ sẽ cảm nhận được và rất hiền lành, đáng yêu”.
Thời gian phụ thuộc vào lịch sinh hoạt của hổ
Hàng ngày, Trang và bạn bè phải dậy từ sớm. Mỗi sáng, cô cùng các tình nguyện viên lên chuồng hổ lúc 7h, dắt hổ con ra chùa để chuẩn bị đón du khách. Sau đó, mọi người ăn sáng và mỗi tình nguyện viên được phân công một công việc khác nhau như: Dọn phân hổ, chuẩn bị xé thịt gà luộc cho hổ con ăn và hướng dẫn du khách chơi với hổ. Công việc có thể đổi nhau hàng ngày để ai cũng được trải nghiệm.
Điều khó khăn nhất với Hồng Trang khi ấy có lẽ là dọn phân hổ. "Đây là một công việc không hề đơn giản và khá mất thời gian. Mùi phân hổ quyện lẫn thịt gà - thức ăn của chúng tạo nên một thứ mùi vô cùng khó chịu, xộc thẳng vào mũi, ruồi bọ thì cứ vo ve xung quanh đến mức khó thở. Cá nhân mình phải làm nhiều lần mới có thể quen và thạo được!" - Trang kể.
Cô còn cho biết thêm: "Tiếp đó là việc cho hổ ăn, chúng mình cần phải hiểu rõ sở thích của từng con. Thức ăn của hổ chủ yếu là thịt gà luộc. Tuy nhiên, có con thích ăn xương, da gà. Nhưng có con lại thích ăn riêng cổ, cánh. Có chú trưởng thành, to rồi nhưng vẫn chỉ thích ăn thịt không nên các tình nguyện viên phải ngồi rút hết xương gà ra. Chúng mình thường cho hổ ăn trên tay để chúng quen hơi người. Ngoài thịt gà ra, hổ ở đây còn được cho uống sữa và bổ sung vitamin".
Sau những công việc buổi sáng, Trang cùng mọi người được nghỉ trưa và bắt đầu công việc buổi chiều lúc 12h bằng việc tập trung đón và hướng dẫn khách du lịch những thông tin cần thiết trước khi tiếp xúc với hổ. Sau khi khách du lịch trở về, tình nguyện viên kết thúc công việc của mình và trở về phòng nghỉ ngơi, ngồi thiền.
Những trải nghiệm quý báu, khó quên
Quãng thời gian chăm sóc hổ tại Thái Lan của Hồng Trang ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp. Cô cho biết: “Ấn tượng đầu tiên của mình tại chùa là tất cả mọi người đều yêu thương và coi trọng loài vật. Họ đặt tên, hiểu rõ đặc điểm, tính cách của từng con thú. Vì vậy, tình nguyện viên khi đến cũng phải tìm hiểu tính cách chúng trước để biết cách chăm sóc sao cho phù hợp”.
Hổ ở chùa hầu hết đều rất thích quấn quýt và nô đùa với người. Chính vì thế, tay chân của Trang cũng như nhiều tình nguyện viên khác đều trầy trật vết xước lớn nhỏ do chơi đùa với chúng. “Ngoài ra, chúng mình còn thường xuyên thay phiên nhau chăm sóc những loài động vật khác ở chùa như đưa nước và thức ăn, thay rơm cho trâu, bò, chăm sóc những chú gấu nhỏ, hươu, nai và cả mèo… Thỉnh thoảng có những con thú đi lạc hoặc bị thương thì cũng cần chăm sóc đặc biệt. Chúng mình sẽ hỗ trợ các bác sĩ thú y trong những trường hợp đó” – Trang cho biết.
Đặc biệt, lũ hổ còn có bản tính là buồn ngủ sau khi ăn. Mỗi khi ấy, Trang và các bạn đều phải vào chuồng hổ, trải chăn cho chúng. Cô chia sẻ: "Có những chú hổ thích leo lên người mình, dụi mõm vào tay các tình nguyện viên. Chúng còn rất thông minh, biết nghe lời nếu thấy ai nổi nóng. Nếu không có chuyến đi lần này, có lẽ mình không biết được hổ cũng đáng yêu đến thế".
Trở về Việt Nam đã được một thời gian, nhưng Trang vẫn luôn nhớ về nơi ngập tràn kỷ niệm và những trải nghiệm thú vị ấy. “Chắc chắn trong năm tới mình sẽ quay lại và ở lâu hơn để có cơ hội chứng kiến cũng như chăm sóc những chú hổ từ lúc mới sinh” – Hồng Trang chia sẻ.
Theo Zing