Hình ảnh vệ tinh hôm 28/12, ngày xảy ra thảm họa,cho thấy xung quanh thời điểm máy bay của AirAsia mất tích có các dấu hiệu của cơn bão lớn trong vùng lân cận. Ảnh: NOAA |
"Dựa trên dữ liệu thu được từ vị trí liên lạc lần cuối cùng của phi cơ Airbus A320, thời tiết là yếu tố 'kích hoạt' trong vụ tai nạn này", AFP dẫn báo cáo trên trang web của Cơ quan Khí tượng và Vật lý địa cầu Indonesia (BMKG) cho hay.
Theo báo cáo của BMKG, QZ8501dường như đã bay vào các đám mây bão. Hiện tượng thời tiết có khả năng xảy ra nhất là đóng băng, khiến động cơ máy bay bị hỏng. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những khả năng có thể, được đưa ra dựa trên kết quả phân tích dữ liệu khí tượng hiện có.
Trước đó, tuyên bố của hãng hàng không AirAisia cho hay, cơ trưởng chuyến bay AirAsia QZ8501 đã xin phép nâng độ cao của phi cơ để tránh một cơn bão. Tuy nhiên, đài kiểm soát không thể chấp thuận yêu cầu nâng độ cao 9,8 km lên 11,5 km vì có một phi cơ khác đang hoạt động phía trên. Trong lần liên lạc cuối cùng, phi công xin phép chuyển hướng để tránh thời tiết xấu. Khoảng 40 phút sau khi cất cánh, máy bay mất liên lạc hoàn toàn.
Phi cơ Airbus A320-200, mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia, chở 162 người, hôm 28/12 bị rơi xuống biển Java, Indonesia, khi đang trên đường từ Surabaya đến Singapore.
Các mảnh vỡ lớn từ xác phi cơ hôm qua được tìm thấy dưới biển, dấy lên hy vọng tìm kiếm, trục vớt các thi thể nạn nhân và xác định vị trí hộp đen máy bay. Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Indonesia thông báo họ đã vớt được 30 thi thể nạn nhân trên chuyến bay QZ8501.
Nhà chức trách Indonesia hôm 2/1 cho biết AirAsia không được phép khai thác chặng bay Surabaya - Singapore vào chủ nhật, ngày xảy ra thảm họa QZ8501. Hãng hàng không hiện bị đình chỉ bay ở chặng này.
Theo VnExpress