Nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Moscow lấy xuất khẩu dầu làm nguồn thu chính và đóng góp cho ngân sách quốc gia. Kể từ tháng 6 năm ngoái, giá dầu tụt giảm hơn 60% khiến Nga gặp khó khăn về tài chính. Hôm 13/1, dầu Brent và dầu thô WTI giảm xuống dưới mức 45 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Trước tình hình giá dầu ảm đạm, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các ngành không liên quan đến dầu mỏ như công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân, hàng không và không gian nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu.
“Nga đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và liên lạc nhưng các ngành này phải “núp bóng” những gã khổng lồ năng lượng và tập đoàn tài chính” – ông Medvedev nhận định trên đài RT.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống từ năm 2008 - 2012, ông Medvedev chủ trương phát triển công nghệ, thành lập trung tâm nghiên cứu Skolkovo ở ngoại ô Moscow để thay đổi bộ mặt của lĩnh vực này. “Chúng tôi có những bài học thành công và đủ sức tìm lại ánh hào quang trong quá khứ ” – Thủ tướng Nga bày tỏ.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: RIA Novosti
Hôm 13/1, Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Nga, cho rằng kinh tế nước này giảm 2,9 % trong năm 2015. Tháng 12 năm ngoái, WB dự báo con số này chỉ là 0,7%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá dầu tụt dốc không phanh, căng thẳng vấn đề Ukraine dẫn đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây dành cho Moscow.
Dù vậy, ông Medvedev tin tưởng Ngân hàng Trung ương Nga đã nắm trong tay những công cụ cần thiết để đảm bảo sự ổn định của đồng rúp, đưa kinh tế tăng trưởng trở lại. Thủ tướng Nga cho biết thêm dự trữ ngoại tệ của Nga sẽ không bị ăn bớt và không loại trừ khả năng kiểm soát vốn, bên cạnh việc nhắc nhở Ukraine nên trả hết nợ.
Ông Medvedev cũng hy vọng Moscow có thể bình thường hóa quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Gaidar ở Moscow hôm 14/1, ông Medvedev đề nghị: “Chúng tôi đánh giá rất cao các mối quan hệ mà chúng tôi đã xây dựng với châu Âu, đối tác thương mại chính của Nga. Tôi hy vọng trong tương lai gần, chúng ta nên bình thường hóa mối quan hệ này”.
Tuy nhiên, chỉ trong trường hợp Nga chấm dứt can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine, EU mới bàn tới chuyện xem xét rút lại lệnh trừng phạt và bình thường hóa nhiều khía cạnh trong mối quan hệ, nhưng chắc chắn không thể “hợp tác thương mại như trước đây” đối với Moscow. Đó là nội dung một văn kiện thảo luận của EU được báo The Wall Street Journal đăng tải hôm 14/1.
Văn kiện trên cho biết EU có thể tăng cường hợp tác với Nga trên ba lĩnh vực chủ chốt: chính sách ngoại giao, thương mại và hợp tác ngành. Hai bên còn có thể hợp sức chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria, phối hợp chính sách về Libya, Iran và tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
EU đã cắt đứt liên lạc với Nga về một loạt các vấn đề thương mại, năng lượng và an ninh sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea tháng 3/2014. Với một số dấu hiệu cho thấy tình hình ở miền Đông Ukraine có thể ổn định, hoặc ít nhất là không trở nên xấu đi, EU đang tìm cách thoát khỏi bế tắc với Nga.
Tại cuộc họp thượng đỉnh G20 ở TP Brisbane – Úc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini cũng tiết lộ sẽ đến thăm Moscow vào đầu năm 2015 và khẳng định duy trì đối thoại với Điện Kremlin.
Theo NLĐ