Cụ già ngồi hóng gió, em bé chơi đùa, người lớn ngắm cảnh bên kênh Tân Hóa - Lò Gốm quả thật là giấc mơ đã thành hiện thực của người dân 4 quận phía Tây TP.HCM. |
“Ngày xưa không ai dám đi tập thể dục ven con kênh này, vì chỉ cần bước đến gần thôi thì mùi hôi thối đã xộc lên tận mũi. Đó là chưa kể, hàng nghìn căn nhà chồ ven sông với lối sống “cái gì cũng vứt xuống kênh”, cùng với nhiều tệ nạn đặc thù của “xóm nước đen” đã khiến đời sống người dân hai bên bờ con kênh này không biết khi nào mới tiến lên được.
Giờ thấy con kênh được mở rộng, thuyền bè đi lại thuận tiện, mùi hôi thối năm nào đang dần tan biến nên ai cũng vui mừng” – cụ Nguyễn Văn Huệ (68 tuổi, ngụ nhà 1032 đường Lò Gốm, phường 7, quận 6) vui mừng cho biết.
Con kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang khoác lên mình chiếc áo mới sau hàng chục năm chìm trong ô nhiễm trầm trọng. |
Trên con đường mới được nâng cấp, nhiều ngôi nhà xập xệ ngày nào giờ cũng khoác lên mình tấm áo mới. “Giờ đường phẳng lỳ, không còn bị ngập khi “thủy triều đen” lên nữa, nên tôi bàn cùng chồng nâng cấp lại căn nhà cho đàng hoàng để đón Tết” – bà Nguyễn Thị Tư chỉ vào căn nhà của mình với nụ cười rạng rỡ.
Tiếp xúc với người dân nơi đây mới biết sự thay đổi của con kênh Tân Hóa – Lò Gốm với họ to lớn như thế nào. Vẫn chưa thể quên được những năm tháng sống trong lòng của nơi mà người dân gọi là “xóm nước đen” ngày xưa, cụ Huệ kể: “Hồi trước, con đường Lò Gốm trước nhà tôi nhỏ hẹp, lại chi chít ổ voi, ổ gà nên không ai dám đi vào nếu không phải dân trong khu vực này.
Dòng nước đen ngày nào đang dần chuyển màu tươi sáng hơn. |
Mỗi khi triều cường lên, đường lại biến thành sông, nước đen ngòm, mùi hôi bốc lên khiến ăn cơm cũng phải đóng cửa. Sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng như thế nên nhiều đứa trẻ bị bệnh về hô hấp, da liễu rất nhiều. Thanh niên lớn lên, không công ăn việc làm nên nhiều đứa vướng vào tệ nạn hút chích, cờ bạc…
Giờ thì khác nhiều rồi, đường lớn trước nhà, nhiều người đã mở tiệm tạp hóa, bán vật liệu xây dựng. Nhà khó khăn hơn thì mở tiệm ăn uống nhỏ, hoặc tranh thủ làn gió mát lành từ kênh bán mấy thứ quà vặt cho trẻ con. Hàng nghìn hộ dân nhà chồ được giải tỏa lên khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) giờ quay lại thì không thể tưởng tượng được sự đổi thay mà họ gọi là “trong mơ” này”.
Cụ Huệ đang tận hưởng làn gió mát từ con kênh từng một thời được mệnh danh là "kênh đen". |
Nằm trong giai đoạn hai của Dự án nâng cấp đô thị TP.HCM với tổng giá trị các hạng mục lên đến hơn 1800 tỷ đồng, công trình cải thiện hệ thống thoát nước cấp 2 - 3 lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm; Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã mang lại lợi ích trực tiếp cho hàng chục vạn người dân trên địa bàn 4 quận này. Cơ sở hạ tầng, điều kiện sống và môi trường được cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, dự án còn tạo quỹ gần 350 tỷ đồng để hỗ trợ người dân vay vốn làm ăn, sửa chữa nhà ở, sử dụng nước sạch, mở rộng hẻm, tăng quỹ nhà ở; hỗ trợ công tác quản lý nhà đất cho thành phố… từ đó làm chuyển biến tích cực về trật tự xã hội, sức khỏe và cơ hội mưu sinh của người dân nơi đây – vốn trước đa phần là dân nghèo.
Qua quá trình cải tạo, nạo vét, giờ tàu bè có thể đi lại trên con kênh một thời "chết đi" chức năng này. |
Được biết, khi dự án Nâng cấp đô thị TP.HCM hoàn thành, đã và sẽ có hàng triệu người dân được hưởng lợi trực tiếp; đồng thời sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nhức nhối khác mà trước đây chính quyền thành phố phải đau đầu.
Đi dạo trên vỉa hè được lát bằng đá granit bóng loáng, cụ Huệ liên tục nhắc cô cháu nhỏ không nên ném đá xuống kênh. “Khi con đường mới xong, cán bộ phường, dân phố đã họp bà con lại, tuyên truyền không nên vứt rác xuống kênh. Mấy chục năm sống trong môi trường ô nhiễm đã khiến bao thế hệ phải trả giá rồi. Giờ đã đến lúc phải thay đổi lối sống, tư duy để con cháu mình có được tương lai sáng sủa hơn” - cụ thổ lộ.
Theo Lao động