Liên tiếp trong mấy ngày qua, hàng loạt tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công, đập phá ngư cụ khi đang đánh bắt bình thường tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhiều tàu cá trở về trong tình trạng hư hỏng, lỗ nặng nhưng sau đó vẫn tất bật chuẩn bị ra khơi.
Liên tục bị cướp phá
Vụ tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam mới nhất xảy ra sáng 7/1 với tàu QNg 96372 TS của ngư dân Lê Tân (ngụ thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Theo tường trình của ông Tân, tàu QNg 96372 TS cùng 15 ngư dân xuất bến vào sáng 5/1.
Ngày 7/1, khi tàu đang neo đậu khai thác hải sản ở đảo Tây, thuộc quần đảo Hoàng Sa, thì tàu ngư chính mang số hiệu 306 của Trung Quốc xuất hiện quấy phá. Tàu Trung Quốc thả xuồng cao tốc kè sát tàu QNg 96372 TS rồi một nhóm người có vũ trang xông lên uy hiếp các ngư dân, đập phá tài sản, cướp đi máy định vị, hải sản...
Sau hơn hai giờ cướp phá, tàu Trung Quốc mới bỏ đi. Các ngư dân trên tàu QNg 96372 TS đành quay về đất liền vì tài sản, dụng cụ đánh bắt đã bị phá hỏng. Theo ông Tân, tổng thiệt hại của tàu khoảng 350 triệu đồng.
Cùng ngày, hai tàu cá khác của ngư dân Lý Sơn cũng bị tàu Trung Quốc tấn công, phá hỏng ngư lưới cụ khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh, thuyền trưởng tàu QNg 96093 TS, cho biết khi đang đánh bắt ở đảo Xà Cừ thì bị tàu Trung Quốc tấn công, đập phá tài sản, lấy đi hơn một tấn cá. “Chúng tôi bị thiệt hại hơn 200 triệu đồng” - ông bức xúc.
Ngư dân tàu cá QNg 96093 TS chuẩn bị tiếp tục ra khơi.
Vẫn quyết ra ngư trường Hoàng Sa
Sáng 14/1, dù mới trở về sau chuyến biển lỗ nặng nề do tàu Trung Quốc cướp phá nhưng ngư dân Lê Tân cho biết đang chuẩn bị các nhu yếu phẩm, sửa sang lại ngư cụ để tiếp tục ra khơi.
“Tàu Trung Quốc tấn công, chúng tôi cũng mặc kệ. Hơn 30 năm qua, riêng tàu tôi bị họ đẩy đuổi, đập phá không biết bao lần. Nhưng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống mà cha ông mình đã gắn bó, việc gì phải sợ?” - ông Tân quả quyết.
Theo ngư dân Nguyễn Chí Thạnh, hầu như chuyến biển nào của ông cũng bị tàu Trung Quốc quấy phá. “Nhưng không vì thế mà chúng tôi sợ, phải bỏ biển. Mùa biển mới này, tàu chúng tôi vẫn đi Hoàng Sa, đó là nơi ngư dân ta đã gắn bó lâu đời” - ông Thạnh khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn - cho biết mỗi năm, hàng chục tàu cá của ngư dân nghiệp đoàn bị tàu Trung Quốc cướp phá, thiệt hại hàng tỷ đồng. “Còn hơi thở, còn sức lực, chúng tôi vẫn quyết ra Hoàng Sa, bất chấp sự hung hăng của phía Trung Quốc” - ông Chinh nói.
Cần tăng cường bảo vệ ngư dân Sau khi nhận được báo cáo về các tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công gần đây, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối hành động cướp phá tài sản của tàu Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ: Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cực lực phản đối việc làm của phía Trung Quốc gây thiệt hại đến tài sản, đe dọa tính mạng của ngư dân và đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam. Phía Trung Quốc phải chấm dứt những hành động sai trái nêu trên, tránh ảnh hưởng đến việc làm ăn bình thường, an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân và đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam. Trả lời câu hỏi về việc làm sao để bảo vệ ngư dân hiệu quả hơn khi mà chúng ta cứ hết lần này đến lần khác ra tuyên bố phản đối và yêu cầu chấm dứt hành động sai trái nhưng sau đó, ngư dân vẫn tiếp tục bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng trước hết, trách nhiệm bảo đảm an toàn cho ngư dân thuộc về lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển. Còn với ngư dân, theo ông Thắng, bà con cần phải đoàn kết, hoạt động theo tổ đội để bảo vệ, giúp đỡ nhau hoạt động hiệu quả cũng như phòng ngừa với những tàu, đặc biệt là tàu Trung Quốc, xâm hại. “Ngoài việc động viên, tuyên truyền cho ngư dân, chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ tăng cường hơn nữa việc bảo vệ bà con ngư dân hoạt động nghề cá hợp pháp trên vùng biển của mình” - ông Thắng cho biết. |
Theo NLĐ