Chiều 20/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của: Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Liên quan đến số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định trong dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, về số lượng cấp phó trong các bộ, cơ quan ngang bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định số lượng tối đa đối với các bộ đặc thù như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là 6 thứ trưởng; còn các bộ, cơ quan ngang bộ khác chỉ là 4 thứ trưởng. Đối với số lượng cấp phó của đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, thì đề nghị quy định tối đa là 3 cấp phó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng 'Đối với cấp bộ không quá 5 phó, cấp Tổng cục không quá 3, các Cục và Vụ không quá 2'. |
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, trong thời điểm hiện nay không nên tăng thêm số lượng thứ trưởng.
"Không phải việc gì cũng nhất thiết Bộ trưởng phải trực tiếp giải quyết. Vì thế, luật cần giao thêm thẩm quyền cho Tổng Cục trưởng, Vụ trưởng để giải quyết các công việc, bởi trong thời điểm hiện nay không thể tăng thêm số thứ trưởng" - ông Phước đề xuất.
Ông Phước cũng kiến nghị rà soát lại quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, vì nhiều quyền hạn thuộc trách nhiệm của tập thể Chính phủ nhưng lại đưa vào trong quyền hạn của Thủ tướng.
Ông Phước phân tích việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hay số lượng công chức, viên chức là quyền của Chính phủ, tại sao lại đưa vào quyền của Thủ tướng, bởi Thủ tướng chỉ là thay mặt cho Chính phủ ký các quyết định ban hành.
|
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu rõ: "Đối với cấp bộ không quá 5 phó, cấp Tổng cục không quá 3, các Cục và Vụ không quá 2. Đối với Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh không quá 2. Đối với UBND cấp tỉnh thì không quá 4, cấp Sở không quá 3.
Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh không có cấp phòng, nếu phải có phòng thì không có phó. Đối với cấp huyện, UBND cũng không nên quá 2... Như vậy, Chính phủ sẽ căn cứ vào tính chất đa ngành, đa lĩnh vực đối với cấp bộ để quyết định số lượng; cấp địa phương thì cũng căn cứ vào đa ngành, đa lĩnh vực và địa bàn".
Ông Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát lại dự án luật, đảm bảo “đạt lý thấu tình”, đồng thời chỉ rõ: "Cứ nói tinh giảm biên chế là tinh giảm ngay ở chỗ này, đi theo đó là không có nhiều tướng thì sẽ ít quân thôi. Cứ đẻ ra một tướng là thêm quân thôi".
Về danh sách các bộ, cơ quan ngang bộ có thể xê dịch, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề, nhiều Đại biểu băn khoăn về Luật tổ chức Chính phủ. Cụ thể ở Điều 2 nói: Tổ chức của Chính phủ, bao gồm các bộ; Các cơ quan ngang bộ; Chính phủ trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ.
Ông Hiển đặt câu hỏi: "Vậy sau bao nhiêu năm tổng kết đánh giá vai trò trách nhiệm của từng bộ, trong khi đến giờ phút này chưa xác định được có bao nhiêu bộ? Vậy tại sao chúng ta không quy định thẳng ở đây, có nhiều bộ rất ổn định như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… quy định thẳng vào luật.
Ngoài ra còn những bộ khác thì trình với Quốc hội thêm hoặc bớt thì có ổn định hơn không? Chính sự ổn định này của luật pháp cũng góp phần ổn định cho bộ máy của chúng ta.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Vậy thì Chính phủ chịu trách nhiệm cái gì trước quyết định của mình? Cái này có thể hiện trong luật này không, theo tôi phải thể hiện... ghi vào đây thì mới thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp".
Theo VTCnews