Thỏa thuận mua bán tàu sân bay Varyag (sau này là tàu sân bay Liêu Ninh) cuối cùng hoàn tất vào ngày 30/4/1999 và nhà máy đóng tàu Ukraine không có trách nhiệm phải đưa con tàu từ biển Đen tới Trung Quốc. Ông Từ phối hợp với Nhà thầu Vận tải Quốc tế (ITC) của Hà Lan để đưa con tàu về Trung Quốc.
“20 triệu USD chỉ là giá bán của tàu sân bay. Trong thực tế, tôi còn phải trả ít nhất 120 triệu USD cho thương vụ này kể từ năm 1996 đến năm 1999. Thế nhưng, tôi vẫn chưa nhận được một xu nào từ Chính phủ Trung Quốc. Tôi đã bàn giao nó cho hải quân” – ông Từ nói.
Để có tiền, ông Từ đã phải bán căn nhà lộng lẫy của mình ở The Peak (núi Thái Bình ở Hồng Kông) vào năm 1999 và cầm cố mảnh đất rộng hơn 26.000m2 tại đảo Bình Châu (Peng Chau).
Một nguồn tin thân cận với thương vụ này cho biết ông Từ gánh chi phí con tàu vì nhiều người trong số các quan chức hải quân tiếp cận ông vì nhiệm vụ này đều đã chết hoặc bị bỏ tù. “Ông Cơ Thắng Đức, cựu giám đốc tình báo hải quân, bị treo cổ vào năm 2000 do dính líu đến vụ bê bối buôn lậu ở tỉnh Phúc Kiến”. Ông còn phải vay mượn từ những người quen biết ở Hồng Kông, mượn 230 triệu đô Hồng Kông từ một người bạn.
Ông Từ Tăng Bình và tàu Liêu Ninh vào tháng 3/2002 Ảnh: SCMP
Theo cuốn China’s Carrier do China Development Press ấn hành, ông Từ đã giao kèo với Hội đồng Nhà nước trong nhiều năm về việc bồi thường nhưng Bắc Kinh chỉ trả 20 triệu USD giá đấu thầu, đồng thời nhấn mạnh ông Từ có thể được bồi thường các chi phí khác nếu ông trình ra được hóa đơn.
“Điều này thật vô lý và bất công. Làm thế nào mà phía Ukraine có thể cung cấp biên lai cho các bữa ăn, quà tặng và hàng đống hóa đơn? Những thiệt hại trong việc huy động tiền sẽ giải quyết thế nào?” - một nguồn tin thân cận với thương vụ này nói. Trong số này phải nói đến một tài liệu trị giá 6 triệu đô Hồng Kông trả cho chính quyền Macau để tạo ra câu chuyện về sòng bạc nổi khi mua tàu.
Ông Từ cho biết chính phủ trung ương đã từ chối trả tiền cho ông vì “hải quân không có ngân sách vào cuối những năm 1990 do nền kinh tế nghèo nàn của Trung Quốc thời điểm đó”. “Một số chuyên gia hải quân nói với tôi rằng thương vụ này giúp đất nước tiết kiệm ít nhất 15 năm nghiên cứu khoa học. Cuối cùng, nó gián tiếp đẩy chính phủ trung ương tới việc thay đổi chính sách quốc phòng” – ông Từ nói.
Theo NLĐ