Cán bộ xã mang dùi cui điện vào chùa kiểm tra nhà sư lúc nửa đêm?
Liên quan đến vụ việc người dân làng Hội Am (xã Cao Minh, Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) bất ngờ vây giữ các cán bộ xã Cao Minh cùng chủ tịch UBND xã này là ông Nguyễn Văn Luận vào tối 17/1 và trưa 18/1, dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao gần 300 người dân hiền lành lại kéo đến vây giữ các cán bộ này? PV đã về địa phương tìm hiểu vụ việc trên.
Sáng 20/1, người dân đến chùa Hội Am, nơi chủ tịch xã và các cán bộ xã từng bị vây giữ rất đông. Khi nói về chuyện này không ít người vẫn còn khá bức xúc.
Người dân vây giữ chủ tịch UBND xã Cao Minh. |
Theo người dân, tối 17/1, Phật tử của làng Hội Am đến chùa của làng để dự khóa lễ, tụng kinh, niệm Phật dưới sự hướng dẫn của hòa thượng Thích Đức Hiếu, đến khoảng gần 23h thì mọi người về nghỉ. Lúc này một tổ công tác liên ngành gồm có ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó công an xã Cao Minh, ông Nguyễn Văn Vương, cán bộ văn phòng UBND xã, một cán bộ an ninh tôn giáo của huyện Vĩnh Bảo và một vài công an viên đến chùa, có cán bộ còn mang theo cả dùi cui. Người dân thấy các cán bộ gọi hòa thượng Hiếu ra nói chuyện và đóng cửa lại, bảo những ai không có phận sự gì thì ra ngoài.
“Khi ra ngoài, chúng tôi nghe thấy phía bên trong, họ đang tiến hành lập biên bản hành chính với hòa thượng Hiếu. Tôi không nhìn thấy gì, nhưng qua những gì nghe được thì đó hình như là biên bản trục xuất thầy Hiếu ra khỏi chùa. Và thầy Hiếu cũng không ký vào biên bản này”, anh Phạm Văn Biên (SN 1990, người dân làng Hội Am) cho biết.
Lúc này, Phật tử làng Hội Am đã gọi nhau quay lại chùa để chứng kiến cuộc làm việc với thái độ vô cùng bức xúc, họ không hiểu vì lý do gì mà giữa đêm hôm khuya khoắt, chính quyền lại đến chùa để làm việc với một nhà tu hành.
“Tôi đang ở nhà, chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng trống, tiếng chiêng và tiếng thanh la inh ỏi, gấp gáp phát ra từ phía chùa. Chùa làng tôi nằm ngay bờ đê sông Hóa, bình thường thì chỉ khi vỡ đê hoặc trong làng có việc hệ trọng thì chiêng trống mới khua lên như vậy. Ra đến nơi thì tôi thấy dân làng đã tụ tập trong khuôn viên nhà chùa đông lắm rồi, khoảng chừng 200 – 300 người. Cho rằng chính quyền muốn trục xuất hòa thượng Hiếu ra khỏi chùa nên khi tổ công tác có ông Hiếu và ông Vương vẫn ở trong phòng khách thì người dân đã khóa cửa lại, không cho về khi xã chưa giải trình rõ lý do làm việc với hòa thượng Hiếu. Ông Hiếu và ông Vương đã bị nhốt trong phòng từ đêm 17 đến trưa 18/1. Ở bên ngoài, một số phần tử quá khích đã dùng gạch, cát ném vào bên trong”, ông Lành, một người dân trong làng cho biết.
Ông Nguyễn Bá Riệp, phó làng Hội Am nhận định rằng, những đối tượng quá khích đó không phải là người địa phương. Chúng lợi dụng việc này để gây nên sự mất đoàn kết giữa người dân và chính quyền.
Giữ chủ tịch xã để bảo vệ khi xuất hiện đối tượng lạ
“Trưa 18/1, một số người đã giải thoát các cán bộ ra ngoài, lên xe máy đợi sẵn trên bờ đê và rút lui. Một số người dân thấy vậy đã đuổi theo nhưng không kịp. Trong quá trình đưa ông Hiếu, ông Vương ra ngoài, những người trợ giúp hai ông đã dùng gạch đá ném lại dân khi người dân đuổi theo, khiến cháu Vũ Văn Đức (SN 2005), đang đứng gần đó bị gạch ném vào mặt chảy máu, phải đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Bảo. Lúc này, thấy ông Nguyễn Văn Luân đang đi lại trong khuôn viên nhà chùa, người dân đã giữ ông Chủ tịch xã trong phòng khách của chùa”, ông Riệp cho biết.
Ông Riệp cũng cho hay: “Thực ra không phải là người dân giam giữ các ông ấy mà đó chính là biện pháp của dân làng chúng tôi bảo vệ sức khỏe và tính mạng của họ khi đối mặt với những phần tử manh động. Các ông ấy cứ ở bên ngoài thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đấy, anh xem, cửa bằng gỗ, rồi cửa kính phòng khách bị gạch đá ném vỡ hết cả. Khi các ông ấy ở trong đó, chúng tôi vẫn tìm cách để đưa xôi, thịt, nước, bánh mì tiếp tế, đợi sự việc được giải quyết".
Theo người dân địa phương, sự việc bắt nguồn từ việc thầy Thích Đức Hiếu về trợ duyên cho chùa Hội Am. Dù thầy chỉ trợ duyên chứ chưa là chủ trì nhưng một số phần tử đã đổ tiếng oan cho thầy. Trước khi thầy về chùa, chùa Hội Am hoang sơ, điêu tàn, chỉ là một cái am nhỏ. Thầy về, thầy đã nêu ra ý tưởng nâng cấp, chỉnh trang lại khuôn viên chùa và đã xắn tay chỉ đạo làm được hai hạng mục quan trọng được nhân dân ghi nhận, đó là san lấp, mở rộng mặt bằng, xây tường vây và cho dựng tượng đài Quan âm.
|
Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó công an xã Cao Minh trao đổi với PV. |
Ngoài những gì làm được cho nhà chùa, thầy Hiếu còn góp phần cảm hóa nhiều thanh thiếu niên không sa vào cờ bạc và những tệ nạn xã hội, nhờ đó, những thói hư tật xấu cũng được giảm hẳn. Và nguyện vọng lớn nhất của các Phật tử đó là sau những chuyện lùm xùm không đáng có, thầy Hiếu sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với chùa.
Để làm rõ nguyên nhân vụ việc, PV đã liên lạc với chủ tịch UBND xã Cao Minh, ông Nguyễn Văn Luận nhưng ông này cho biết không thể tiếp báo chí vì bận công việc.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó công an xã Cao Minh cho biết: “Buổi làm việc đêm 17/1, chúng tôi không làm biên bản trục xuất hòa thượng Hiếu, mà chỉ đến để hướng dẫn làm thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng, và chúng tôi cũng không thực hiện việc trấn áp nào cả. Hòa thượng Hiếu cũng đã đưa ra được chứng minh thư và hộ tịch hộ khẩu. Vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân là quyền của mỗi người. Chúng tôi không gây khó khăn cho con đường tu nghiệp của thầy cùng với Phật tử. Sau này, hòa thượng Hiếu hoàn thiện xong lớp Phật học, về trụ trì chùa làng Hội Am, chúng tôi luôn ủng hộ và tạo điều kiện”.
Theo Kiến thức