Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Văn Luân - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nam Định cho biết, đối với các phương tiện đang lưu thông trên đường chỉ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm Luật Giao thông đường bộ hoặc có dấu hiệu tội phạm CSGT mới dừng xe kiểm tra. Chính vì thế, khi các phương tiện đang lưu thông, không thể biết được đâu là phương tiện đã sang tên, đâu là phương tiện chưa sang tên chính chủ.
Ngoài ra, các trường hợp bị xử lý vi phạm như chạy quá tốc độ, sai làn đường, quá tải… cũng rất khó để xử lý thêm lỗi xe không chính chủ. Theo Đại tá Luân, các tài xế nói mượn xe, thuê xe hoặc ủy quyền… thì cũng không thể xử lý lỗi xe không chính chủ.
Đại tá Đinh Văn Ninh - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện đơn vị vẫn thực hiện xử lý các lỗi có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như chạy quá tốc độ, lạng lách, nồng độ cồn… Còn khi hỏi về lỗi không chính chủ, nhiều trường hợp đã xảy ra đôi co giữa tài xế với CSGT.
“Chính vì vậy, chúng tôi sẽ phải nghiên cứu thêm, làm thế nào để khi tiến hành xử lý lỗi không chính chủ, người điều khiển phương tiện giao thông phải tâm phục khẩu phục” - Đại tá Ninh nói.
Tương tự, Đại úy Tạ Ngọc Khánh - Đội trưởng Tham mưu tổng hợp, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hiện lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội mới chỉ xử lý phạt lỗi không chính chủ đối với các trường hợp xe tai nạn, xe gian, xe trong các vụ án... Lực lượng CSGT chủ yếu tập trung vào tuyên truyền vận động người dân khi mua, bán, trao đổi, cho tặng nên đăng ký sang tên chính chủ.
Người dân thờ ơ
Theo Thông tư 15 của Bộ Công an, thủ tục sang tên chính chủ đã khá đơn giản so với trước đây. Cụ thể, đối với phương tiện nội tỉnh chỉ trong vòng hai ngày, phương tiện ngoài tỉnh chậm nhất đến 30 ngày.
Thực hiện Thông tư 15, từ 15/4/2013 đến 16/11/2014, Phòng CSGT Hà Nội đã sang tên chuyển chủ cho 47.765 phương tiện, trong đó có 46.941 trường hợp là xe môtô và mới có 824 xe ôtô. Trong khi đó, Hà Nội đang quản lý gần 5,4 triệu phương tiện, trong đó có 501.801 xe ôtô và hơn 4.862.028 xe môtô.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho rằng, nguyên nhân số lượng xe đăng ký sang tên chuyển chủ còn thấp là do ý thức của người sở hữu phương tiện chưa cao, vẫn coi nhẹ trách nhiệm về quyền được bảo vệ tài sản của chính mình.
Cũng theo Đại tá Thắng, đơn vị đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội chuyển phát giấy chứng nhận đăng ký từ cơ quan công an đến tận tay công dân theo yêu cầu. Cụ thể, năm 2014 đã chuyển 354 giấy đăng ký xe, trong đó có 6 trường hợp ôtô và 348 trường hợp môtô đến tận địa chỉ yêu cầu của người dân.
Đại tá Thắng nhấn mạnh, nếu không thực hiện sang tên chuyển chủ phương tiện, khi xảy ra tai nạn, phạt nguội, phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ, chính người sở hữu phương tiện sẽ chịu trách nhiệm nộp phạt dù đã bán, cho, tặng.
Thông qua công tác đăng ký phương tiện, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã phát hiện 453 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, trong đó xác minh trùng vật chứng 96 trường hợp, đục tẩy số máy, số khung 153 trường hợp, sử dụng đăng ký giả 168 trường hợp, 15 trường hợp xe trộm cắp và làm giả giấy tờ 21 trường hợp.
Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân và từ 2-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô không thực hiện đăng ký sang tên chuyển chủ theo quy định. Lộ trình thực hiện xử phạt đối với chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô khi thực hiện hành vi vi phạm nói trên được thực hiện từ 1/1/2015. |
Theo Tiền Phong