Quyết định từ chức của ông Hadi diễn ra khá bất ngờ bởi trước đó, hôm 21/1, Tổng thống Yemen còn đồng ý viết lại Hiến pháp để dành một số quyền lợi cho phong trào Hồi giáo Shi’ite Huthi, đang kiểm soát thủ đô Sanaa, và tiến tới thỏa thuận hòa bình.
Người phát ngôn chính phủ Yemen dẫn thư từ chức của ông Hadi cho biết: “Chúng tôi xin lỗi tất cả người dân vì kết cục không mong muốn này”. Theo Hiến pháp, người tạm thời đứng đầu nhà nước sẽ là chủ tịch Quốc hội.
Tổng thống Yemen Abdrabuh Mansur Hadi. Ảnh: EPA
Tại nơi cư trú của nhà lãnh đạo Yemen, các trạm gác đều không có lính canh, chỉ thấy một nhóm chiến binh Huthi và một chiếc xe quân đội đậu tại lối ra vào chính.
Đài Al Arabiya tiết lộ Quốc hội Yemen đã bác đơn từ chức của ông Hadi và tổ chức một phiên họp khẩn cấp vào ngày 23/1.
Trước ông Hadi, Thủ tướng Yemen Khaled Baha cũng đề nghị rút khỏi vị trí mà ông đang nắm giữ bởi lý do “không muốn bị lôi kéo vào mê cung chính trị”, ám chỉ thỏa thuận cung cấp nhiều quyền lực chính trị hơn cho phiến quân Huthi.
Hôm 22/1, các nhân chứng cho biết thủ đô Sanaa vẫn bị phong tỏa, ngoại trừ sân bay và cảng biển ở TP Aden phía Nam. Tại miền Trung Yemen, các bộ lạc địa phương tuyên bố đẩy lui phiến quân Huthi ở tỉnh Marib, nơi cung cấp hơn một nửa sản lượng dầu và điện trong nước.
Sau khi ông Hadi thông báo từ chức, Yemen có thể chìm sâu vào hỗn loạn và đồng minh Washington sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong khi đang không kích mục tiêu của chi nhánh al-Qaeda tại đây.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết họ đang cố gắng xác nhận thông tin nội các Yemen đồng loạt từ chức và khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình hòa bình ở Yemen.
Theo bà Psaki, đại sứ quán Mỹ tại Yemen vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, một quan chức Washington giấu tên cho Reuters hay Mỹ đã rút bớt nhân viên tại đại sứ quán ở Sanaa.
Theo NLĐ