Nhà chị ấy sống trong khu mà người ta nói là “không biết vì sao rất nhiều Tây ở đó”. Mà toàn Tây làm việc, Tây chuyên gia, thuê nhà, thuê người làm nước ngoài – phần nhiều là người Philippines. Tây họ chăm tập thể dục lắm. Đường phố nhỏ tí xíu, vỉa hè chẳng có, bụi mù mà vẫn cứ chạy đổ mồ hôi.
Chị bạn tâm sự, chẳng biết ai “phân công” mà đâu ra đấy nhé. Ở đây thì có Tây chuyên gia (thuê người dắt hai con chó đi dạo cũng lương mấy triệu đồng một tháng). Còn dân châu Á, nhà kinh doanh như Nhật, Hàn thì họ ở Phú Mỹ Hưng. Tây balô thì ngồi lè phè vỉa hè Phạm Ngũ Lão, thèm cái “vui” mà quê nhà họ không có.
Mà lạ lắm. Tây lấy vợ Việt, rất lạ. Tưởng chọn thế nào, toàn cô… xấu kinh. Chẳng có chân dài gì đâu, nhiều cô trông đen đúa quê mùa. Em nói, chị ơi, vì tiêu chuẩn cái đẹp của họ khác, ta thấy xấu thì họ lại nói đẹp là chuyện thường. Nhiều cô gò má cao, các cụ mình chê tướng sát chồng, họ lại cho là đẹp đó.
Đang nói chuyện thì khu chung cư lịch sự bỗng vang lên dưới sân phía bể bơi – tiếng người đàn ông Tây giận dữ buông một tràng dài. Tiếp theo một tràng dài hơn, the thé là của một bà đầm (chắc là vợ).
Cảnh này thật hiếm có, nên người Việt ta đổ ra đen kịt dưới sân theo dõi sát sao. Trên cửa sổ các tầng, người lố nhố ngó ra hóng.
Bà xã kể đến đó như cố nhớ lại cảnh tượng để miêu tả cho chính xác: Anh biết điều buồn cười hài hước là gì không? Không phải chuyện của vợ chồng ông Tây cãi cự. Mà là ngắm cận cảnh… vẻ mặt của dân nhà ta đứng xem. Vẻ tò mò lên đến tột độ, nhưng căng thẳng im phăng phắc, là vì… không biết tiếng Tây. Không hiểu họ quát tháo cái gì.
Chị bạn hài hước: “Bố ai… dịch đuổi cabin nổi”.
Công nhận dân ta trí tò mò vô địch. Không hiểu tiếng mà vẫn bám sát diễn biến, vợ chồng họ còn cãi, dân ta còn xem, bất kể không hiểu gì. Em hỏi đùa chị ấy: Thế rút cuộc, dân ta có ai “tham khảo” được gì cho bõ cơn tò mò không? Chị bạn còn hài hước hơn em, chị ấy nói: “Chắc có đấy. Nhận ra rằng khi Tây cãi lộn, hơi của họ dài không kém… ca sĩ Bằng Kiều hát Phút cuối”.
Sao mà dân ta tò mò thế không biết? Thì tò mò là một đặc tính tốt của sáng tạo mà lại.
Tôi nói, em có biết tính tò mò của dân ta đã làm… tăng trưởng kinh tế – văn hóa thế nào không? Cứ nhìn em “theo sát” chuyện tình các sao showbiz thì đó chứ đâu.
Ờ phải, cãi sao được. Nhiều bộ phim nhạt nhẽo lắm, nhưng nhiều người tò mò vì tin đồn đôi nam nữ diễn viên ấy có tình ý với nhau ngoài đời, mà anh chàng lại có vợ rồi mới chết chứ. Khéo mà phim giả tình thật cũng nên. Nếu không, sao nghe đồn có màn “khóa môi nóng bỏng”. Mà dư luận còn lên cơn sốt hơn nữa khi ngôi sao đó trả lời phỏng vấn lại còn ỡm ờ. “Bây giờ chúng tôi chỉ là bạn, còn sau này thế nào chưa biết”. Còn có tin rò rỉ bạn trai cô đánh ghen. Hỏi không tò mò phát sốt sao được?
Còn anh chàng kia, nếu không yêu cô ấy sao lại có hình xăm tên người yêu trên cánh tay? Tò mò chẳng chính đáng, sao bản báo phải “đưa phóng viên đã cất công tìm hiểu theo dõi từ trong trang web, blog để đưa thông tin đến quý vị”?
Đó, thấy tò mò có phải xấu hoàn toàn đâu, đã giúp phát hành phim ảnh, băng đĩa tưng bừng khắp nơi đó?
Theo DNSGCT