Ảnh minh họa - Nguồn: VOV
Sớm ra, họa sĩ Phan Cẩm Thượng rủ ra vỉa hè uống trà mạn. Cái quán ngã ba Trương Hán Siêu và Nguyễn Du, có đôi cây hoa ban quen thuộc của ông. Nơi ông hay hò hẹn bạn bè.
Chén trà đậm. Mang cái chuyện có cô trò Quảng Bình vừa nhảy lên bục tát cô giáo mà chỉ bị nghỉ học một tháng. Mình bảo, kỷ luật nhẹ. Ông Thượng bảo, không rõ hoàn cảnh cụ thể ra sao khi trò tát cô, nhưng học đường giờ quá tệ, cũng có thể bởi thầy chưa ổn nên trò nó dám lên tận bục tát thầy.
Sinh viên tâm tư với tôi, bây giờ có “tiền chống trượt”. Có nghĩa là, nếu có tiền thì không trượt. Không có tiền có khi lại hiến cái khác để không trượt tốt nghiệp. Những kiểu thầy như thế, đáng ăn tát. Tôi lên lớp dẫn trò ra vườn trường dạy, không bao giờ xách nhiễu, vậy nhiều trò không thích đâu. Có đứa nói, lão ấy không nhận tiền chống trượt, khi ra bảo vệ luận án dễ vặn vẹo, không bảo vệ mình đến cùng, gay go hơn cả những ông nhận giúp.
Tôi để ý, sau nhiều lần tới vỉa hè này, học trò thầy Thượng có dăm cô vừa được hướng dẫn làm luận án cao học, thạc sĩ mỹ thuật. Thầy trò ríu rít. Đi đâu xa, khi về Phan Cẩm Thượng cũng có quà mua về cho trò. Khi thì cái túi nhỏ bé, lúc đôi khăn quàng cổ mỹ thuật, lạ mắt.
Thầy Thượng lại kể, thế hệ ông học, các thầy nghiêm lắm. Có một thầy thương trò đói, cứ cho trò ăn. Mà thời bấy giờ, thầy trò chúng tôi đều đói. Ông thầy này hay cúng giải hạn. Một mâm đầy hoa quả, xôi chè, bầy ra cúng giữa trời xong, thầy gọi tôi, trò xuống: cậu muốn ăn gì thì ăn. Rồi sau này biến động, cơ chế thị trường, xe cộ, nhà cửa, ham muốn và thực dụng... vẫn ông thầy tốt bụng thuở ấy lại mở đầu cho cái trào lưu thầy cần có phong bì. Nghe chuyện Phan Cẩm Thượng, ngồi uống trà thấy đắng.
Gia đình tôi có hai giáo viên. Cậu tôi xưa dạy tiếng Pháp ở trung học Quỳnh Côi, cả làng đến giờ vẫn tôn sư gọi là nhà ông giáo. Khi tụi tôi về quê, họ bảo, nhà ông giáo Thiệu có người về chơi... Cái từ "ông giáo" người làng, nhà nông nói ra kính trọng. Sau 1954, cậu tôi là giáo viên mỹ thuật tại Trung cấp kiến trúc Hà Đông cũ. Tôi chưa khi nào thấy ông nhận phong bì từ trò. Chỉ khi ông về hưu,sắp mất hơn 80 tuổi, thi thoảng có trò già như tôi, già hơn tôi, lụ khụ tới tặng thầy vài chục ngàn, trăm ngàn trong phong bì…. Đùn đẩy mãi ông phải nhận mà cử chỉ lúng túng, sượng sùng lắm.
Thế hệ tôi, coi thầy cô là bậc cha mẹ. Kính trọng, thậm chí sợ hãi. Ở trường có thầy dạy vẽ từ thời Pháp, khi ông nói, ông học sau cậu tôi, là trò, thầy nói một câu tôi răm rắp nghe... Sự kính trọng thầy trò như truyền kiếp.
Thầy trò lứa của tụi tôi là khoảng cách nào đó cần tôn kính, như cha con, như mẹ con, sao dám hỗn một câu, chứ nói gì tát cả thầy cô, nghe như chuyện hư cấu.
Năm nào cô giáo chủ nhiệm vào lớp. Không biết lý do gì mà cô ăn mặc không chu chỉnh. Một dây giải rớt một đầu rút buông ra. Cả lớp ngượng mà không ai dám cất lời. Tôi viết vào mảnh giấy: Thưa cô, một dây giải rút của cô chưa cho vào. Rồi tôi giơ tay xin phép lên bảng đưa cho cô. Cô giáo dạy học từ thời Pháp, đọc tờ giấy, lặng lẽ vào bục, chỉnh đốn qua cái bục ngồi đã được che đi rồi. Xong, lặng lẽ ra giảng tiếp. Tôi ra trận hơn chục năm quay về, tới thăm cô giáo chủ nhiệm, cô vẫn nhớ cái cậu trò cá tính, cá biệt, nhưng lễ độ...
Những câu chuyện thầy trò hư láo bây giờ nhiều quá. Ở Hà Nội, trò từ bé tí đã nhận thấy nền vô văn hóa trong giáo dục là tệ phong bì, nhiễm cái thói phải đút lót từ bé, hỏi sao xã hội chả hư hỏng. Cái tát với bàn tay hay là với chữ nghĩa, đạo lý? Hỏi có phải do lỗi, chỉ ở thầy cô không?
Nền tảng đạo đức xã hội đã báo động. Cũng là trăm thứ tha hóa. Lỗi ở giáo dục, giáo dục không chỉ ở nhà trường, mà còn từ sự nghiêm cẩn làm tin cho con người trông vào, dưới trông lên nữa. Còn ít, rất ít người đã sống: Đói cho sạch rách cho thơm. Nhưng cũng may mà vẫn còn những người như thế!
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ