Theo chân đội 'người nhái' trên sông Sài Gòn

Thứ sáu, 23/01/2015, 17:42
Họ là những người chuyên lặn mò tìm kiếm tang vật các vụ trọng án và thi thể những người không may gặp nạn trên sông nước. Nhiều người mến mộ gọi họ với biệt danh “rái cá” sông Sài Gòn. Đó là chuyện về những người lính của đội cứu nạn cứu hộ dưới nước, thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM. 

"Rái cá" trên sông

4 giờ 30 sáng, một người phụ nữ tên Lê Thị Muội (73 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đi ra hướng sông Sài Gòn, bỏ lại đôi dép trên bờ. Người nhà nạn nhân hốt hoảng gọi điện thoại đến số 114, trung tâm chỉ huy “bắn tin” cấp tốc cho đội cứu nạn cứu hộ dưới nước (đóng ở P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2) đến ngay hiện trường. Chiếc xe ôtô tải lao qua màn sương buổi sáng sớm giá lạnh chở theo những “người nhái” tuổi đời còn rất trẻ.

Đu dây xuống kênh nước đen để tìm kiếm.

Tại hiện trường, hàng chục người dân đứng vây xung quanh con kênh. Thiếu tá Đào Quốc Trung suy tính: “Không có ai chứng kiến nạn nhân nhảy sông vào đúng địa điểm nào nên rất khó xác định vị trí tìm kiếm”. Bốn “người nhái” mau chóng dầm mình xuống làn nước lạnh ngắt, đượm mùi. Thỉnh thoảng, bọt khí từ bình lặn gợn sóng lăn tăn lên những đám lục bình ken đặc. Hơn một tiếng đồng hồ, những ánh mắt chờ đợi vẫn hướng nhìn đau đáu về phía dòng kênh.

Thiếu tá Trung, gương mặt cương nghị, nước da ngăm đen, lại ra lệnh cho “quân” tiếp tục dàn đội hình hàng ngang càn quét khu vực lòng sông Sài Gòn, cách con kênh khoảng 200 mét. Sợi dây tín hiệu kết nối các thợ lặn với người chỉ huy ở trên bờ rung lên bần bật. Nét mặt người chỉ huy căng như dây đàn. Dây tiếp tục thả ra, chứng tỏ đội lặn đang lặn sâu xuống tận đáy. Lúc này mặt trời đã lên cao, nắng gắt bao trùm lên sông nước Sài Gòn.

Lòng sông Sài Gòn luôn ẩn chứa nhiều nổi hiểm nguy, đe doạ tính mạng người lính.

Đó chỉ là một trong nhiều lần tìm kiếm bình thường mà anh Trung và những người lính của mình đã làm suốt nhiều năm qua. 30 năm trong nghề, anh Trung thuộc nằm lòng từng địa hình, vị trí hiểm trở của dòng sông. Sông Sài Gòn có rất nhiều hố sâu, chỉ cần sơ hở là bị xoáy nước nhấn chìm bỏ mạng.

Những địa điểm tìm kiếm mà dân trong nghề mới nghe đã “ớn lạnh” phải kể đến như chân cầu Phú Mỹ, cầu Bình Lợi, cầu Tân Thuận và kênh cầu An Lạc. Không chỉ bởi độ sâu của lòng sông mà bởi con nước lên xuống, con nước đổi chiều một cách bất thường, gây nguy hiểm khôn lường cho “người nhái”.

Là người trực tiếp chỉ huy “đối địch” với con nước xiết chảy, anh Trung từng cho quân của mình nằm phủ phục nhiều giờ dưới lòng sông để cố bám chặt vị trí “chiến đấu”.

Thâm niên 5 năm trong nghề nhưng mỗi lần nhớ lại lần lặn “sống chết” của đời mình, Lai (26 tuổi, quê Quảng Bình) vẫn thoáng vẻ bàng hoàng. Đó là khi Lai lặn ở chân cầu Bùi Hữu Nghĩa, Q.1. Cái cảm giác chạm tay vào người chết dưới nước hãi hùng khó tả. Lần đó, Lai phải giật dây khẩn cấp xin chỉ huy được nổi lên bờ. Sau thấy cảnh người nhà nạn nhân nước mắt lưng tròng, lương tâm người lính cứu nạn đã không cho phép Lai bỏ cuộc.

Dầm mình trong làn nước lạnh.

Với nghề này, không phải cứ đụng xác là đưa lên bờ được ngay. Có lần Lai hai tay níu chặt sợi dây tín hiệu, hai chân kẹp xác nạn nhân, nóng lòng đợi chờ im lặng dưới độ sâu 30 mét. Đến khi tàu bè đi qua hết, chỉ huy mới đồng ý kéo Lai lên bờ. Nỗi sợ những vụ chân vịt tàu thuyền chém trúng “người nhái” vẫn luôn ám ảnh tâm trí người chỉ huy.

Dù người can đảm đến đâu cũng khó vững lòng trước những thi thể phân huỷ, bốc mùi hôi thối. Chiến sĩ trẻ mới vào nghề chưa quen, lúc đầu về nhà không ăn được cơm, đêm nằm ngủ thao thức. Những lúc như vậy, anh Trung và đồng đội dày dạn kinh nghiệm lại tìm cách động viên, trấn an tư tưởng cho chiến sĩ. Tâm lý đó cũng thường gặp, sau này quen việc thì không còn nữa, ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bom và máu

Trong những lần theo chân đội đi tìm kiếm, tôi ngạc nhiên vì các bộ đồ lặn của “người nhái” nhiều cái không còn nguyên vẹn. Dưới chiếc giày lặn là dọc ngang những vết cứa, nhiều chiếc quần lặn bị vết đâm thủng. Hỏi nguyên nhân vì sao, mới hay rằng, dưới chân cầu, sắt thép, miểng kính vỡ, cọc nhọn hay thậm chí là bom mìn còn đầy. Khi ngụp lặn dưới đó, “người nhái” bị các thứ này đâm vào người, nhẹ thì rách áo quần, nặng thì bị thương tích là chuyện thường.

Khi lặn xuống sông, tất cả người của đội cứu nạn cứu hộ đều dùng tay trần. Họ quờ quạng, tìm mò để cảm nhận mọi vật dưới không gian đen tối qua đôi tay. Có khi mò được quả “tròn tròn” như quả bom thì vội vàng đào hố sâu bỏ xuống, lấy đất cát lấp đi, chờ xử lý sau. Anh em thường dặn nhau, nếu gặp bom thì để nó nằm yên đấy, nếu đưa lên khỏi nước, áp suất thay đổi sẽ khiến bom nổ.

Nhưng đó chưa phải là gian lao nhất của người lính cứu nạn dưới sông nước đầy bất trắc. Bởi khổ cực nhất là những vụ tìm kiếm trên kênh rạch Sài Gòn. Những con kênh lâu nay vốn nổi tiếng ô nhiễm như Tàu Hủ - Bến Nghé, Thầy Cai, Nhiêu Lộc – Thị Nghè…

Chiếc áo lặn dày, kín đáo là thế nhưng vẫn không thể nào bảo đảm an toàn tuyệt đối cho “người nhái”. Nhiều tiếng đồng hồ lặn ngụp sâu dưới nước kênh đen bẩn bởi nước thải của hàng triệu người dân và các nhà máy, xí nghiệp, nước kênh xuyên qua lớp áo, thấm vào da thịt còn non trẻ của từng người lính cứu nạn.

Cho đến nay, người lính trong đội vẫn tự bảo vệ mình bằng việc làm đơn giản nhất là ngâm mình trong… xà phòng tắm. Một thành viên trong đội cười đùa: “Khi nào anh em đi ra ngoài tâm sự với bạn gái hay về nhà với vợ thì tăng cường đến nhà tắm tập thể. Chứ mùi hôi kênh rạch có khi cả tuần không hết được”.

Người của đội trong một lần huấn luyện tìm kiếm.

Trong các vụ trọng án, kẻ thủ ác thường phi tang hiện vật xuống lòng sông. Phía cơ quan điều tra lại nhờ đến sự trợ giúp của đội cứu nạn cứu hộ dưới nước. Khi thì mò súng, lựu đạn của một vụ cướp tiệm vàng táo tợn, con dao của kẻ giết người, hoặc thậm chí là chiếc máy bơm nước... Nhiều khi đội được lệnh điều động đi giữa đêm, lúc 2-3 giờ sáng, lặn cho kịp với thời gian phá án. Nước về đêm lạnh cóng người, áp suất cao khiến nhiều người bị đau tai, mờ mắt.

Một "người nhái" tên Lai cho biết: “Có lần đang lặn thì bình hết hơi, vội vã ngoi lên mặt nước thì gặp áp suất mạnh khiến người mệt rã rời”. Vậy nhưng, “rái cá” sông Sài Gòn chỉ vẫn chống chọi với cái lạnh đêm khuya bằng chai nước lọc hoặc tô mì gói vội mang theo trong ba lô.

Lót dạ chỉ là ổ bánh mì sau hàng tiếng đồng hồ lặn mò dưới nước.

Trung tá Nguyễn Văn Công, Đội trưởng đội cứu nạn cứu hộ dưới nước cho biết, toàn đội có 29 đồng chí, những người đi trước luôn nuôi ngọn lửa đam mê và truyền đạt kinh nghiệm nghề cho lớp trẻ đi sau. Đội mới được thành lập năm 2011.

Trung tá Công là một trong những người đầu tiên của đội cứu nạn cứu hộ. Trước đây, đội chỉ có 8 người, công việc giống như anh “thợ đụng”, việc gì cũng làm, từ cứu người kẹt cống, bắt tổ ong trong khu dân cư, bắt người tâm thần lang thang đến việc lặn vớt, cứu người trên sông Sài Gòn, kênh rạch...

Anh Công nhớ lại: “Hồi những năm 80, người lính cứu nạn cứu hộ chỉ mặc mỗi cái quần “xà lỏn” là nhảy xuống sông hành nghề, không có cả kính lặn. Còn bây giờ người lính được trang bị phương tiện hiện đại hơn, tuy nhiên cũng chỉ ở mức độ tiêu chuẩn. Mặc dù còn khó khăn nhưng đội luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi nếu công việc dễ dàng, ai cũng làm được thì nghề đâu có gì đáng nói”.

Từ nơi “đồn trú” của đội, chúng tôi ra về bằng xe máy qua cầu Sài Gòn, dưới kia nước sông lững lờ trôi. Mấy ai biết rằng, đằng sau vẻ bình yên của con sông ấy là muôn trùng nỗi hiểm nguy mà hàng ngày, hàng giờ người lính đội cứu nạn cứu hộ dưới nước phải đối diện, thậm chí phải đánh đổi bằng mạng sống của mình. Máu của những người lính cứu nạn –“rái cá” sông vẫn âm thầm chảy dưới con nước xiết dữ.

Theo CA TP.HCM

Các tin cũ hơn