Hàng chục hộ dân cùng ngôi chùa cổ kêu cứu vì ngập nước

Thứ hai, 26/01/2015, 16:07
Nâng hẻm, nâng nền nhưng vẫn không thể thoát được cảnh ngập triền miên khi đường cống cũ không thể kết nối được đường cống mới, hàng chục hộ dân trong hẻm 23 đường Tân Hóa (phường 14, quận 6, TP.HCM) đang phải kêu trời khi môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Cùng cảnh ngộ, ngôi chùa hàng trăm năm tuổi cổ nhất quận 6 cũng đang ngày ngày bị dòng nước đen đe dọa.

Chùa Sắc Tứ Từ Ân đang đứng trước nguy cơ xuống cấp thêm bởi tình trạng ngập nước liên miên.

Từ phản ánh của người dân, PV đã đến con hẻm này để tìm hiểu. Tiếp chúng tôi không phải là những thanh niên mà toàn là những cụ ông, cụ bà. Hỏi ra mới biết, do không thể chịu được mùi hôi thối bốc lên từ chiếc ao nằm ngay giữa xóm nên họ đã di tản trẻ em đi nơi khác sinh sống để đảm bảo sức khỏe.

Nước đọng thành ao, bốc mùi hôi thối ngay giữa xóm sau khi đường cống cũ không thể đổ ra kênh Tân Hóa.

Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi đi vòng quanh xóm. Không khỏi bất ngờ khi phía trước họ vài chục mét là con đường Tân Hóa mới được làm phẳng lỳ. Phía sau, con đường ven kênh Tân Hóa mới được cải tạo cũng đã xong, công nhân đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng. Bị kẹp giữa hai con đường mới làm với công trình cống thoát nước cao hơn những ngôi nhà hiện hữu nơi đây đến gần nửa mét nên không khó để lý giải về tình cảnh của họ lúc này.

Tiếp chúng tôi là Thích nữ Diệu Huệ - Trụ trì chùa Sắc Tứ Từ Ân và ông Đặng Văn Hải (74 tuổi, ngụ cùng hẻm). Thích nữ Diệu Huệ cho biết, từ khi hai con đường thi công thì cống thoát nước nằm bên hông phải chùa không thể phát huy được tác dụng. Nước thải, nước mưa của ngôi chùa rộng hơn 700m2và của hàng chục hộ dân không thể ra được kênh Tân Hóa như lúc trước được nữa nên đọng lại thành vũng, bốc mùi khó chịu.

Phần chánh điện của chùa đã thấp hơn rất nhiều so với mặt đường.

“Mỗi khi triều lên, nước lại phun lên từ các trụ gỗ có tuổi thọ hàng trăm năm của chùa. Sợ bị hư hỏng, nhà chùa đành phải thuê thợ đến, dùng bê tông lấp các khe hở, dù biết rằng kết cấu nguyên thủy với đá đội trụ đã nằm sâu phía dưới mới là linh hồn của hàng cột gỗ, cũng như ngôi chùa này” – Thích nữ phân trần.

Vốn là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều biến thiên, ngôi chùa đã thấp đi rất nhiều do nền đất xung quanh được người dân liên tục nâng lên để tránh tình trạng ngập kinh niên khi đường Tân Hóa chưa được nâng cấp, cải tạo. Sợ nước lại tiếp tục tàn phá những gì mà các thế hệ tu sĩ, Phật tử để lại, Thích nữ Diệu Huệ đã dùng những đồng tiền ít ỏi của ngôi chùa nghèo mà nâng đường.

Dẫu biết chùa sẽ tiếp tục bị thấp đi nhưng trong tình thế bây giờ thì không có sự lựa chọn nào khác. “Nâng hoài nên giờ mái ngói của chùa cách mặt hẻm bê tông chỉ 1,5 mét. Ngoài ra, công trình phụ của chùa cũng phải nâng cấp chứ nước cứ tràn lên thì không thứ gì có thể tồn tại được” – Thích nữ giọng buồn buồn.

Mái ngói âm dương của chùa không thể chịu đựng được những con mưa lớn do bị xuống cấp.

Theo ông Hải thì do nước không thể thoát đi nên đọng lại thành vũng ngay trước nhà ông. Mùi hôi thối bốc lên khiến ruồi muỗi phát sinh. Sợ cháu bị bệnh, ông cho về nhà người thân để tá túc. Chỉ tay vào ao nước, ông cho biết dù rất đau lòng khi thấy ngôi chùa gấp đôi tuổi ông đang bị ngập, tàn phá hàng ngày nhưng ông và bà con nơi đây đều chịu thua.

“Chùa này có từ thời ông cụ tôi, chắc cũng hơn 150 năm rồi. Lúc trước, chùa thu hút rất nhiều Phật tử vì cảnh trí thanh bình lại có chứa nhiều truyền thuyết hay và linh thiêng. Từ ngày kênh Tân Hóa ô nhiễm, Phật tử cũng vãn dần khi thấy chùa xuống cấp” – ông Hải chua chát.

Bị ngập liên miên, hành lang chùa rêu mốc.

Được biết, dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm là một phần của dự án nâng cấp đô thị Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, hệ thống thoát nước tại nhiều nơi được sửa chữa, làm lại. Tuy nhiên, một số khu dân cư do mất đường thoát nước tự nhiên, cống cũ bị phá bỏ nên xuất hiện tình trạng ngập nhiều nơi.

Chùa Sắc Tứ Từ Ân ngày nay được lập ra sau khi chùa Từ Ân cũ (được xác định là gần Công viên Tao Đàn, quận 1, TP.HCM ngày nay) do Thiền sư Phật Ý – Linh Nhạc dựng nên vào năm 1752 từ một am lá thờ Phật. Chùa Từ Ân sau đó bị đốt cháy vào năm 1859 bởi thực dân Pháp sau khi hạ thành Gia Định. Đến năm 1870, để duy trì chi phái Lâm Tế của dòng đạo Bổn Nguyên tại miền Nam, một số nhà sư đã mang một số hiện vật quý về dựng nên chùa mới.

Hiện nay, chùa vẫn giữ được hai bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng, một đề là "Sắc Tứ Từ Ân Tự" và hai đề là "Quốc Ân Khải Tường Tự"  do vua Gia Long ban cho vì có công che chở cho hoàng thân, quốc thích trong thời gian bị nhà Tây Sơn truy đuổi. Ngoài ra, còn có các hiện vật quý như bài vị bằng gỗ của các vị tổ sư… Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ bài vị của vị Hoàng cô có pháp danh là Tế Minh – Thiên Nhật là chị của vua Gia Long bên cạnh bài vị của thiền sư Nhật Thành – Liễu Đạt – một trong số các cao tăng trong thời vua Gia Long trị vì.

Theo Lao động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích