Công ty dân sự CelesTrak là đơn vị đầu tiên thông báo về vụ nổ. Sau đó, không quân Mỹ xác nhận họ bị mất một vệ tinh quân sự. Vệ tinh này là một phần của Chương trình Vệ tinh Khí tượng Quốc phòng (DMSP) do quân đội Mỹ phát triển những năm 1960, phục vụ cho mục đích giám sát và trinh sát.
Năm 1972, hệ thống DMSP được giải mật và dữ liệu được cung cấp cho các nhà khoa học dân sự. Vệ tinh vừa phát nổ có mã hiệu DMSP-F13, ở trong quỹ đạo trái đất từ năm 1995.
Theo Bộ chỉ huy Không gian Mỹ (AFSC), vệ tinh DMSP-F13 đột ngột gặp vấn đề về nhiệt độ và bị mất kiểm soát, dẫn đến sự kiện thảm khốc.
Vụ nổ khiến ít nhất 43 mảnh vỡ phân tán vào quỹ đạo và đang được không quân Mỹ theo dõi chặt chẽ. Đại tá John Giles, Giám đốc Trung tâm Phối hợp Nhiệm vụ Không gian Mỹ (JSpOC) nói với trang tin SpaceNews.com: “Nhân viên của chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá sự cố này để xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục”.
Chính phủ Mỹ cho biết vệ tinh DMSP-F13 không còn quan trọng đối với hệ thống DMSP nên họ hy vọng vụ nổ chỉ làm mất một lượng nhỏ dữ liệu khí tượng.
Trước đó, DMSP-F13 quay quanh Trái Đất ở khoảng cách 804km trong quỹ đạo mặt trời đồng bộ và đường bay của nó theo hướng qua cực Bắc và Nam. DMSP-F13 mất khoảng 101 phút để bay hết một vòng và nó cung cấp cái nhìn đầy đủ về toàn bộ bề mặt hành tinh xanh 2 lần/ngày.
Theo NLĐ