Nhận diện các rào cản
Nghiên cứu với chủ đề "Báo chí & Tiếp cận thông tin" do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam hỗ trợ và Nhóm nghiên cứu Sài Gòn Truyền Thông thực hiện vừa được hoàn thành.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu, ông Đặng Tâm Chánh, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã công bố những thông tin đáng chú ý từ kết quả nghiên cứu đó.
Ông Đặng Tâm Chánh cho biết: "Gần đây nổi lên xu hướng đáng lo ngại trong việc cản trở quyền tiếp cận thông tin của báo chí.
Một là hiện tượng lạm dụng dấu mật đã trở nên phổ biến trong các văn bản hành chính. Pháp luật đã trao cho các cơ quan Nhà nước quá nhiều thẩm quyền để bưng bít thông tin.
Hai là sự phát triển các rào cản kỹ thuật. Sau khi có quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin, thì các nhà báo đều kêu là khó tiếp cận thông tin hơn trước. Hầu hết các cơ quan Nhà nước đều thành thục trong việc dựng nên rào cản kỹ thuật để ngăn chặn thông tin. Có đến 47,06% ghi nhận tình trạng này là phổ biến; 23,53% cho rằng tình trạng này rất phổ biến.
Mối lo ngại thường xuyên của nhà báo, phóng viên không chỉ là khó tiếp cận thông tin mà còn là sau khi lấy thông tin về lại không đăng được vì lý do nhạy cảm. Gần đây, có tình trạng các quan chức khá tùy tiện trong việc xác định thông tin nào là nhạy cảm".
Tọa đàm về Báo chí và Tiếp cận thông tin vừa diễn ra sáng 22/4/2015, tại trụ sở Ngân hàng Thế giới ở Hà Nội. Ảnh: B.M |
Cũng theo kết quả nghiên cứu nêu trên, đã có nhiều cơ quan Nhà nước thực hiện tốt việc tạo điều kiện cung cấp thông tin cho người dân và báo chí, song cũng không ít cơ quan, viên chức Nhà nước thực hiện chức năng cung cấp thông tin cho người dân không nhằm xây dựng lòng tin của xã hội và người dân với Nhà nước, mà chỉ nhằm lấp liếm, đối phó với dư luận.
Nhiều nhà báo đánh giá tỷ lệ cơ quan Nhà nước, viên chức nhà nước cung cấp thông tin để làm rõ, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân còn rất ít. Một số lãnh đạo còn cố tình lợi dụng cơ quan truyền thông để đánh lạc hướng dư luận. Tình huống điển hình của việc cơ quan cung cấp thông tin cố tình cung cấp sai thông tin là vụ việc cưỡng chế ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng.
Lúc đầu, nhà báo được cung cấp thông tin sai lạc rằng ông Vươn là côn đồ, sau này, các báo đã tìm kiếm nhiều nguồn thông tin khác và thông tin lại rằng thực tế không phải vậy. Đáng tiếc là hiện vẫn không có chế tài đối với việc cung cấp thông tin sai lệch của các cơ quan Nhà nước.
Một điểm đáng chú ý khác nữa là hệ thống pháp luật về quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam vẫn yếu về khả năng thực thi. Mới đây cũng có bổ sung quy phạm về xử phạt hành chính, song mức phạt rất nhẹ. Dù các quy định minh bạch, công khai thông tin được đưa vào Luật Tiếp cận thông tin, nhưng nếu thiếu chế tài xử lý vi phạm thì công chúng nói chung và báo chí nói riêng vẫn khó lòng tiếp cận được thông tin mình cần.
Đề xuất giải pháp khắc phục
Nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất một số giải pháp để khắc phục những rào cản trong tiếp cận thông tin đối với nhà báo nói riêng và người dân nói chung.
Chẳng hạn, đề xuất sửa đổi Luật Báo chí, làm sao đảm bảo luật hóa chức năng phản biện xã hội của báo chí. Cần bổ sung nội dung "nhà báo có quyền tiếp cận thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật, mọi can thiệp đều là trái luật; Người nào cho rằng thông tin trên các phương tiện truyền thông sai lệch thì kiện ra tòa án và chỉ có tòa án mới có quyền phán xét".
Cần tìm biện pháp hợp lý hơn để giới hạn, không cho tự tuyên bố những vấn đề nhạy cảm hoặc cấm đưa tin dựa theo quan niệm của một số quan chức có quyền. Quy định chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng con dấu mật.
Xây dựng một bộ chỉ số đáp ứng quyền tiếp cận thông tin từ mức độ hài lòng của người dân, và triển khai đo lường hàng năm, tạo thành một áp lực thi đua giữa các cơ quan Nhà nước, các địa phương.
Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao năng lực của nhà báo. Đề nghị đổi mới cơ chế tuyển chọn và bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan báo chí sao cho các vị trí này phải là những nhà báo có tâm huyết, có bản lĩnh và có tay nghề. Tránh bố trí các chức danh quản lý báo chí cho những người không am hiểu, chưa trải qua nghề báo.
Theo Infonet