Cuối cuộc chiến tranh năm 1975, Mỹ đưa khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam ra khỏi Sài Gòn để làm con nuôi ở các nước phương Tây. Nhà báo Catherine Turner thuộc kênh truyền hình Al-Jazeera nằm trong những đứa trẻ đó. Cô thực hiện một phim tài liệu "Rất gần mà rất xa" (So Close, So Far Away), kể về cuộc đời mình từ khi được đưa lên máy bay ngày 5/4/1975, đến lúc trưởng thành và trở về Việt Nam tìm được mẹ đẻ.
Trong phim, Turner nói về ký ức của một đứa thiếu niên gốc Á lớn lên trong một gia đình Australia da trắng, về những tác động tâm lý của chiến dịch Baby Lift, qua con mắt của người trong cuộc.
Nữ nhà báo sinh năm 1974 tại Việt Nam với cái tên Huỳnh Thị Cẩm Tú, sang Australia khi mới 5 tháng tuổi trong chiến dịch không vận và được cha mẹ nuôi đặt tên mới là Catherine Turner.
"Thật bất công, cứ như thể thế giới chỉ có mỗi Australia, và ai đó không sinh ra là người da trắng bị coi như một kẻ lập dị. Mình nhìn chăm chú những cô gái xung quanh và thấy họ xinh đẹp làm sao. Chúa ơi, mình muốn đánh đổi tất cả để thành người Da Trắng, Da Trắng, Da Trắng", Cath đọc những dòng nhật ký cô ghi lại khi còn đi học.
Cath cho biết cuốn nhật ký gợi cho cô nhớ đến quãng thời gian cô căm ghét bản thân, chán ghét màu da nâu, đôi mắt đen Á đông của mình đến nhường nào.
Trong hành trình giữa ba nước Mỹ, Australia, Việt Nam, Cath gặp những người tham gia chiến dịch Babylift, như giám đốc trại trẻ mồ côi nơi cô ở tại Sài Gòn và Frank Snepp, lãnh đạo phân tích tình báo thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ, làm việc tại Đại sứ quán ở Sài Gòn.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Snepp tiết lộ sự thật gây sốc khiến nhà báo bật khóc, "không biết phải tức giận hay đau khổ" khi ông này nói rằng chiến dịch không vận trẻ em là một cách để chính phủ Mỹ khi đó đạt mục đích chính trị. Tháng 4/1975, khi chiến dịch bắt đầu, nó nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng Mỹ, nhưng sau đó những hoài nghi và chỉ trích bắt đầu nổi lên, và vẫn là chủ đề gây tranh cãi.
Tìm về nguồn cội
Cũng trong chương trình, Cath kể về cuộc đoàn tụ xúc động với mẹ ruột sau một thời gian tìm kiếm. Mong mỏi tìm câu trả lời về nguồn cội, ở tuổi 27, cô lần đầu về Việt Nam để tìm mẹ vào năm 2001. Tuy Cath có giấy khai sinh và đã đến đồn công an, hỏi han nhiều người, chuyến đi ba tuần không mang lại kết quả.
Cath là kết quả của một mối tình dang dở. Do sức khỏe yếu và không đủ khả năng kinh tế, mẹ cô gửi con vào trại trẻ mồ côi và đồng ý cho cô làm con nuôi nếu có người đủ điều kiện tài chính nhận. Ngày 1/5/1975, bà quay lại trại trẻ để tìm con nhưng nơi này đã trở thành đống hoang tàn, đổ nát. Người phụ nữ đau buồn, tưởng Cath đã chết mà không hay biết cô đã rời Việt Nam tới Australia trong chiến dịch Không vận Trẻ em.
Trong phim tài liệu, nhà báo kênh Aljazeera còn gặp gỡ Mỹ Hưng, người cũng được đưa tới Australia trong chiến dịch không vận, và phỏng vấn một bà mẹ hối hận vì đã gửi con vào trại trẻ mồ côi, để cho con đi làm con nuôi.
"Càng nói chuyện với nhiều người, chúng tôi càng nhận ra chiến dịch Babylift thực sự có những ảnh hưởng tầng tầng lớp lớp và sâu rộng đến mức nào", Cath Turner viết khi giới thiệu về bộ phim tài liệu.
Cô cho rằng không có giải pháp hay hồi kết nào ngay trước mắt với hầu hết những người chịu ảnh hưởng. "Những giấy tờ và văn bản còn lại rất ít, cộng với làn khói mù của chiến tranh khiến việc tìm ra câu trả lời nhiều người đang mong muốn là điều bất khả thi", cô cho biết.
Hàng nghìn trẻ em trong chiến dịch không vận không có cách nào để tìm được dòng dõi hay danh tính thực sự của mình. Một số không muốn biết, trong khi số khác tìm cách "điền vào chỗ trống" trong tuyệt vọng.
Giống như Cath, nhiều trẻ em trong chiến dịch Baby Lift đã tìm lại được cha mẹ ruột của mình và có những cuộc đoàn tụ cảm động. Nhưng vẫn còn hàng nghìn cha mẹ người Việt không biết điều gì đã xảy ra với con trai, con gái họ. Họ có thể sẽ không bao giờ biết. Họ chỉ hy vọng con cái họ vẫn sống và hạnh phúc. Và mơ về một ngày đoàn tụ.
Theo VnExpress