Việt Nam quy định như thế nào về “chiếc áo chết người”?

Thứ năm, 09/04/2015, 10:37
Hiện nay, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy định nào để ngăn cấm những loại quần áo thiết kế như vậy nhưng các cơ quan quản lý luôn tìm cách bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thông tin về chiếc áo mũ có dây rút có nguy cơ gây hại cho trẻ nhỏ khiến không ít người cảm thấy lo lắng. Ủy ban An toàn hàng tiêu dùng Hoa Kỳ đã phải đưa ra các biện pháp để ngăn chặn sử dụng loại áo này bởi nhiều trẻ em bị dây áo siết cổ chết trong lúc mải vui chơi. Nhiều thông tin cũng cho hay, những tai nạn tương tự cũng xảy ra tại Trung Quốc.

Đó là câu chuyện ở Mỹ và Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, đã bao giờ xảy ra những tai nạn đáng tiếc đối với trẻ em liên quan đến áo dây rút cũng như chất lượng, thiết kế của những chiếc áo hay chưa? Các cơ quan quản lý đã đưa ra những giải pháp gì đối với vấn đề này?

Đây chính là chiếc áo liền mũ có dây rút mà trên thị trường hiện nay rất thịnh hành. Tuy nhiên, kiểu áo này tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho đối tượng sử dụng là trẻ nhỏ.

Từng có nhiều tai nạn với trẻ nhỏ liên quan đến trang sức, đồ chơi

Trả lời câu hỏi trên, TS. Lê Thanh Hải (Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) khẳng định, từ trước đến nay, bệnh viện chưa hề tiếp nhận bệnh nhân nào bị tai nạn vì mặc những chiếc áo dây rút.

Trong khi đó, PGS. TS Lưu Thị Hồng (Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em) cũng xác nhận, Vụ chưa giải quyết hay nhận được phán ánh nào về những sự việc như vậy. Tuy nhiên, các tai nạn liên quan đến đồ chơi, đồ vật sinh hoạt đã từng xảy ra đối với trẻ em. Đài báo cũng đã không ít lần đưa tin về những vụ tai nạn tương tự và người dân đều biết.

Bà Hồng lấy dẫn chứng về một vụ tai nạn xảy ra cách đây khá lâu từng được cơ quan này tiếp nhận, đó là một tai nạn đến từ chiếc dây chuyền ở cổ. Một trẻ nhỏ đeo dây chuyền chơi đùa trên võng. Không may cháu lăn xuống, dây chuyền mắc vào võng và siết vào cổ cháu. Hoặc thỉnh thoảng đài báo vẫn đưa tin về việc trẻ nhỏ nuốt đồ chơi, tai nạn từ đồ chơi súng, dao, kiếm,...

"Đó là những tai nạn trong sinh hoạt liên quan đến vật dụng như trang sức, đồ chơi", Bà Hồng nhấn mạnh.

Phải bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Theo ông Trần Thanh Hải (Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương), trong quá trình quản lý, đôi khi ở đâu đó vẫn nhận thấy có sự tiềm ẩn nguy cơ gây hại như chiếc áo dây rút. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy định nào để ngăn cấm những loại quần áo thiết kế như vậy. Riêng những loại hàng hóa bị làm giả, làm nhái, có chất độc hại, cơ quan quản lý thị trường vẫn xử lý thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Phú Cường (Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ  Công thương), các thông tin về chất lượng hàng hóa rất nhiều chiều, có thể  không giống nhau và không chính xác.

"Các cơ quan quản lý của quốc gia nào cũng luôn bằng cách này hay cách  khác phải tìm cách bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ thị trường và  bảo vệ nền sản xuất của nước mình", ông Cường khẳng định.

Theo ông Cường, việc nghiên cứu về tác hại của quần áo hay một loại  hàng hóa nào đó phải do rất nhiều cơ quan vào cuộc. Các cơ quan quản lý  trong ngành dệt may vẫn luôn đưa ra những quy chuẩn hàng hóa. Những  tiêu chuẩn này được tham chiếu với các văn bản luật, quy định chung của  thế giới. Chẳng hạn như các sản phẩm đồ chơi trẻ em cũng có các điều  kiện về chất liệu kiểu dáng theo quy định chung của quốc tế.

"Chúng tôi hay cơ quan quản lý của mỗi nước đều phải làm nhiệm vụ đó", Vụ trưởng khẳng định.

Mặt khác, Vụ trưởng cho hay, các cơ quan quản lý của Việt Nam vẫn thường xuyên theo dõi, tiếp nhận thông tin cảnh báo của các cơ quan khác cũng như từ nước ngoài. Ông Cường không xác nhận việc cơ quan này có nhận được thông tin về sự nguy hiểm của áo dây rút mà cho rằng, có thể Việt Nam cũng từng nhận được những thông tin tương tự. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng, qua nghiên cứu, cơ quan quản lý nhận thấy rằng, vấn đề đó chưa đến mức phải đưa ra cảnh báo hoặc biện pháp ngăn chặn.

Cũng theo Vụ trưởng, để đánh giá độ nguy hại của hàng hóa còn phải dựa vào nhiều yếu tố như thể trạng con người, điều kiện kinh tế, xã hội,... Để ra quyết định ban hành một lệnh ngăn chặn hàng hóa nào đó, luôn phải có cơ sở thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Ông Cường cho rằng, đối với hàng hóa nhập khẩu, đôi khi không đến mức độc hại nhưng vì một yếu nào đó liên quan đến cạnh tranh hoặc chính sách, nước sở tại có thể nại ra những lý do để ngăn chặn. Do vậy, có thể có những hàng hóa bị cho là gây nguy hiểm nhưng thực tế chưa hẳn đã như vậy.

Theo ông Cường, để đưa ra quyết định ngăn chặn, rất nhiều bộ ban ngành phải vào cuộc và thống nhất.

Vụ trưởng dẫn chứng, năm 2008, từng xuất hiện thông tin sản phẩm dệt may Trung Quốc được nhuộm thuốc gây dị ứng cho da (đây là sự việc có thật). Các cơ quan liên quan của Việt Nam đã vào cuộc kiểm tra rất kỹ lưỡng. Sau đó, cơ quan quản lý ban hành ngay quy định về hàm lượng các chất sử dụng trong may mặc và kiểm soát hàng may mặc từ nước ngoài nhập vào. Kể cả trang phục của những hãng nổi tiếng uy tín trên thế giới cũng phải được kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Điều này cũng chính là bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo KhamPha

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích