Bộ trưởng Đinh La Thăng: Phải có lương tâm, trách nhiệm khi tiêu tiền của dân!

Thứ tư, 08/04/2015, 20:13
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng chỉ rõ trách nhiệm của các đơn vị để xảy ra tình trạng "đội vốn", "phình dự toán" và tỏ ra gay gắt: "Chúng ta phải có lương tâm, trách nhiệm khi tiêu tiền của dân"...
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Phải có lương tâm, trách nhiệm khi tiêu tiền của dân" (nguồn ảnh: Internet)
Tình trạng đội vốn tại các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngành giao thông đã diễn ra từ nhiều năm nay tại hầu hết các dự án. Tuy nhiên, kể từ khi lên đảm trách nhiệm vụ đứng đầu ngành giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp và qua rà soát đã giảm được gần 40 nghìn tỷ đồng.
Thiết kế không phù hợp thực tế
Chiều qua, ngày 7.4, cuộc họp rà soát tiêu chuẩn, giải pháp thiết kế để giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình giao thông do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì đã diễn ra tại trụ sở Bộ này.
Tại cuộc họp, ông Dương Viết Roãn, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) đã nêu thực trạng và nguyên nhân ảnh hưởng đến tình trạng "đội vốn", tăng giá thành xây dựng công trình giao thông.
Ông Roãn phân cho rằng: một số dự án lựa chọn quy mô đầu tư chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế về lưu lượng xe, điều kiện địa hình, đặc điểm dân cư cũng như điều kiện về nguồn lực và thời điểm thực hiện; Các số liệu đầu vào áp dụng để thiết kế như: Tần suất thủy văn tính toán thiết kế nền đường, tĩnh không đường bộ, đường thủy, quy định cứng tại Luật Đê điều về yêu cầu đối với cầu vượt sông qua đê, công tác thoả thuận về thiết kế cơ sở, việc áp dụng các giải pháp thiết kế cầu, đường bộ cũng như việc tính toán, sử dụng vật liệu của một số hạng mục kết cấu chưa đảm bảo yêu cầu về tiết kiệm vật liệu, việc ứng ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới nhằm tăng năng suất, tiết kiệm vật liệu, giảm chi phí còn hạn chế...
Phai co co luong tam, trach nhiem khi tieu tien cua dan
Hiện nay, vẫn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cho việc thiết kế xây dựng cầu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thiết kế vượt tiêu chuẩn làm đội vốn đầu tư. (ảnh Kiến Giang)
Bên cạnh đó, ông Roãn cũng chỉ ra rằng khi xử lý nền đất yếu, có thể đắp nền trực tiếp trên nền đất yếu, theo dõi bù lún trong quá trình khai thác nhưng các dự án lại thường chọn giải pháp xây dựng cầu cạn có chi phí xây dựng cao hơn từ 3 - 4 lần. Đặc biệt, việc tổ chức giao thông tại các nút giao chưa hợp lý làm tăng khối lượng xây dựng như: Đường cấp cao vượt đường cấp thấp, sử dụng các loại nút giao hoa thị chiếm dụng mặt bằng lớn, phát sinh thêm kinh phí…
Còn ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) chỉ ra bất cập trong khi xây cầu là hiện nay, việc tính toán khi xây dựng cầu đều tính lực va tàu với cả các trụ cầu gần bờ. Điều này theo ông Hà là không cần thiết, bởi sông ở nước ta có mực nước thấp nên chủ yếu là tàu nhỏ và lưu lượng ít. Về tính toán động đất, thực tế cũng chỉ cần tính toán tần suất động đất ở mức 500 năm thay vì 1 nghìn năm như hiện nay…
Còn ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI thì cho rằng, hiện nay chưa có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn thống nhất đối với các thiết kế xây dựng cầu. “Cầu vượt hiện nay có nơi làm tĩnh không ở mức 4,5m có nơi làm 4,75m. Cao lên một chút là cầu lại dài thêm. Nếu có quy chuẩn thống nhất thì không ai dám thay đổi”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, ông Sơn thừa nhận có trách nhiệm chung của lực lượng tư vấn thiết kế. Ông Sơn nhấn mạnh: “Do trình độ tư vấn chưa chuẩn hóa và đáp ứng được yêu cầu. Rất nhiều tư vấn có trình độ, chất lượng khác nhau. Thậm chí có đơn vị không có hệ thống kiểm soát chất lượng tư vấn nội bộ”. Đó chính là nguyên nhân của tình trạng thiết kế không hợp lý, làm đội vốn tổng mức đầu tư.
Giảm mức chi phí đầu tư từ 15-20%
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc rà soát để giảm chi phí đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã được Bộ thực hiện từ vài năm nay và đã tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng. Việc rà soát lại là để tiếp tục thực hiện cho tốt chứ không phải đến nay mới bắt đầu thực hiện.
Theo Bộ trưởng Thăng, cần tập trung rà soát các chủ trương đầu tư để tiến hành cắt giảm các dự án, trước hết là các công trình không cần thiết, kể cả các công trình đã đầu tư. Nguồn vốn cho giao thông trong 5 năm tới là 600 nghìn tỷ đồng, nếu làm được điều đó, mỗi năm tiết giảm được 24 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Thăng khẳng định công tác tư vấn thiết kế đang là khâu cần được quan tâm nhất bởi qua rà soát đã tiết giảm được gần 40 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng khâu thiết kế giảm hơn 11 nghìn tỷ đồng.
“Một công ty con của Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) mà thiết kế cầu vượt tại Hà Tĩnh sau khi được yêu cầu rà soát, điều chỉnh đã giảm từ 161 tỷ đồng xuống còn 90 tỷ đồng, giảm được tới 71 tỷ đồng. Ban QLDA thì muốn phình ra để có nhiều khối lượng, nhưng không biết như vậy là rất lãng phí", Bộ trưởng Thăng dẫn chứng.
Bộ trưởng Thăng tỏ ra gay gắt: "Mấu chốt để thực hiện được tốt công việc này là mọi người tại mọi khâu từ thiết kế, thẩm định và thi công dự án... Chúng ta phải có lương tâm và trách nhiệm khi sử dụng đồng tiền của người dân trong xây dựng các công trình giao thông. Đây không phải là lý thuyết, không phải là lên gân, mà thực tế nếu mỗi người thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm thì sẽ tìm ra phương thức để tiêu đồng tiền của người dân một cách hiệu quả nhất."
Bộ trưởng yêu cầu Cục QLXD và Vụ KHCN tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài để nâng cao hiệu quả đầu tư từ các dự án không phân biệt nguồn vốn đầu tư vì tất cả đều là tiền của người dân đóng góp từ thuế hoặc phí sử dụng dịch vụ. Cần rà soát lại các dự án đầu tư, kiên quyết loại bỏ hoặc dừng thực hiện các dự án không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, Cục cũng phải rà soát lại tất cả các khâu từ khảo sát, thiết kế, các giải pháp thi công... để giảm mức chi phí đầu tư từ 15-20%.
Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ KHCN và các đơn vị khẩn trương đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới, vận dụng các kinh nghiệm của thế giới trong thi công các công trình giao thông, phù hợp với các điều kiện đặc thù của Việt Nam. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn các định mức cũng như chuẩn hóa các quy trình, thủ tục thực hiện các loại hình dự án.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng giao các Thứ trưởng phải kiểm soát và chịu trách nhiệm về tiến độ, hiệu quả của các dự án cũng như hiệu quả hoạt động của các Ban QLDA.
Theo Motthegioi

Các tin cũ hơn