Chẳng cần lo lắng khi giới trẻ đam mê Kpop

Thứ tư, 08/04/2015, 15:27
Nhu cầu đón nhận cái mới cộng hưởng với nhu cầu thần tượng quá đà khiến mọi nỗ lực hướng giới trẻ tới câu chuyện tự hào dân tộc đều thất bại.

Ngày nay chúng ta chứng kiến sự cuồng si của giới trẻ đối với các sản phẩm âm nhạc, văn hóa và thời trang đến từ Hàn Quốc. Các em thể hiện một tình cảm mãnh liệt đối với các ngôi sao âm nhạc và điện ảnh tới mức kêu gào và khóc lóc đến ngất đi khi gặp thần tượng của mình.

Chúng ta có đặt bao giờ đặt câu hỏi về sự việc này để đánh giá xem về mặt văn hóa và giáo dục nó có bình thường không?

Nếu chúng ta đánh giá các em là bất bình thường thì cả 1 thế hệ trẻ không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở khắp các nước châu Á khác ta đều chứng kiến sự ảnh hưởng tới mức áp đảo và càn quét của cơn sóng Hanlyu khắp một thập kỷ qua. Kể cả ở các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển như Singapore , Nhật Bản và HongKong!

 - 1

Chẳng lẽ các quốc gia giầu có và phát triển đó cũng không hề có tý sức chống đỡ về cả kinh tế và công nghiệp lẫn sức mạnh văn hóa bản địa trước "cơn địa chấn" mà văn hóa Hàn Quốc gây ảnh hưởng hay sao?

Quả thật đây là một vấn đề không đơn giản.

Một chiến lược và một chiến dịch hoàn hảo

Người Hàn đã thể hiện một tư duy thức thời và một chiến lược mở rộng ảnh hưởng của mình khắp châu Á vô cùng nhạy bén và hiệu quả.

Hàn Quốc đi sau nhiều nước khác (nhìn từ sự phát triển về kinh tế) nên họ phải tìm một con đường khác và qua một đối tượng khác. Đó là qua việc gây ảnh hưởng về văn hóa rồi từ đó bằng kinh tế. Nói cách khác là các sản phẩm về văn hóa như âm nhạc và thời trang sẽ đi trước và các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ sẽ đi sau.

Và thay vì nhắm vào đối tượng khách hàng đã trưởng thành thì Hanlyu nhắm vào giới trẻ. Những khách hàng vừa trực tiếp trước mắt vừa triển vọng cho tương lai.

Chúng ta còn nhớ những năm 90 của thế kỷ trước HongKong thống trị thị hiếu của lớp trẻ Việt Nam từ phim ảnh cho tới thời trang mạnh mẽ đến mức chúng ta không thể hình dung được có một ngày các ảnh hưởng của HongKong tan biến như ngày nay.

Vậy chúng ta có nên lo lắng trước tình hình văn hóa của giới trẻ Việt ngày nay bị ảnh hưởng nặng nề của Hàn Quốc hay không?

Nhìn vào tính trào lưu đi và đến như của HongKong thì có vẻ như là chúng ta không cần lo lắng!

Đâu là chỗ đứng của văn hóa và sản phẩm Việt

Một khi giới trẻ vẫn ưa thích sử dụng các sản phẩm của nước ngoài thì mọi nỗ lực hướng giới trẻ tới văn hóa và lịch sử đất nước đều thất bại, nói gì tới câu chuyện tự hào dân tộc.

Giới trẻ là những người tiêu biểu cho thế hệ tiêu dùng thời đại mới. Và các em ưa thích những cái mới. Thời trang, công nghệ và âm nhạc chính là những thứ luôn thay đổi và trở nên mới mẻ như thế. Chúng ta không thể bắt các em phải thích những cái xưa cũ nếu như những cái đó thiếu đi hai yếu tố : hấp dẫn về nội dung và mới mẻ trong cách thể hiện.

Nền giáo dục chậm đổi mới của chúng ta đã vô hình chung đẩy các em học sinh và thế hệ trẻ vào thế tiếp nhận chứ không phải ở tư thế sáng tạo và đột phá. Các em không thấy được sức mạnh nội lực của văn hóa dân tộc để khai thác trong mối quan hệ với công nghệ và tư tưởng mới của thời đại.

Nhu cầu làm ra cái mới vốn cũng mạnh mẽ không kém gì nhu cầu đón nhận cái mới của các em học sinh và giới trẻ đã không được khuyến khích. Và khi được cộng hưởng với nhu cầu thần tượng vốn dĩ rất lành mạnh thì sự quá đà tới mức "điên cuồng" đã lan rộng từ số ít sang số đông và trở thành một hiện tượng xã hội.

Sân chơi của tôi đâu?

Sở dĩ giới trẻ ngày nay tìm kiếm thần tượng và tôn sùng thái quá một phần là vì thế giới giải trí và sân chơi cho các em còn quá thiếu thốn và hạn chế. Không thể phủ nhận thần tượng là một nhu cầu của tuổi trẻ. Thần tượng là một tấm gương để các em noi theo hướng tới việc khát khao khẳng định mình thông qua học tập và trải nghiệm chứ không phải chỉ để mù quáng say mê tới mức quên hết mọi việc trong cuộc sống. Tệ hơn là khi thần tượng của các em bị sụp đổ về hình ảnh thì các em cũng bị suy sụp và khủng hoảng theo. Có nhiều em còn liều mạng bỏ nhà ra đi cùng thần tượng, hay hủy hoại chính mình vì thần tượng của mình.

Cách duy nhất mà chúng ta giúp các em phát triển nhu cầu thần tượng của mình một cách lành mạnh là tổ chức các sân chơi cho các em để các em được đắm chìm vào các hoạt động của chính mình hoặc phát triển được khả năng và năng khiếu của mình. Để các em hiểu chính bản thân mình hay những người gần gũi mình mới là cần trân trọng và có khi chính là những thần tượng của chính mình.

Chỉ khi đó giáo dục mới phát huy vai trò của mình trong việc giúp các em học sinh và giới trẻ phát huy các đam mê cá nhân một cách lành mạnh nhất.

Theo Khám phá

Các tin cũ hơn