Ảnh minh họa. |
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Võ Xuân Sơn – phòng khám đa khoa quốc tế EXSON. Bác sĩ Sơn từng công tác trong bệnh viện nhà nước nhiều năm nên khi nói đến vấn đề viện phí, điều chỉnh giá viện phí, bác sĩ Sơn cho rằng với mức giá dịch vụ y tế hiện nay, chúng ta đang bắt buộc tất cả người bệnh Việt Nam phải hưởng một dịch vụ y tế tồi tệ.
Ở các bệnh viện nhà nước, chẳng có một kỹ thuật mới, tiên tiến nào có thể triển khai được mà không nhờ vào xã hội hóa. Hoặc giả có triển khai được cái gì không nhờ vào xã hội hóa thì cũng phải làm ở mức tối thiểu, cầm chừng, dựa vào số bệnh nhân nhiều để mà tồn tại.
Trong khi đó, các cơ sở tuyến trên có lợi thế số lượng bệnh nhân đông, có nhiều nhà đầu tư xã hội hóa, nên người ta càng đổ về bệnh viện tuyến trên, gia tăng sự quá tải. Trong khi các chương trình xã hội hóa ở bệnh viện công sống nhờ quá tải thì ai sẽ thực tâm nhiệt tình giảm tải.
Khi áp dụng giá dịch vụ y tế như hiện nay việc duy trì một nền y tế kém phát triển, hoặc chấp nhận sự phục vụ tồi tệ, bác sĩ Sơn cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Việc định giá rẻ mạt đi cùng với chủ trương xã hội hóa làm cho khối y tế tư nhân phải tự hạ thấp các thế mạnh của mình để cạnh tranh với y tế công, đưa cả nền y tế nước nhà vào tình cảnh tồi tàn và người có tiền chạy ra nước ngoài.
Khi điều chỉnh giá viện phí lần thứ nhất vào năm 2009, Bộ Y tế đã đưa mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, người bệnh hài lòng, nhân viên y tế cần chỉnh sửa gì thì phải chỉnh sửa. Khi chúng ta thay đổi giá viện phí mặc dù chưa nhiều nhưng sẽ phải thay đổi tư duy, hành động.
PGS Khuê cho rằng thái độ y đức được xem như một thay đổi đầu tiên mà Bộ Y tế muốn hướng đến. Có lần, vị Vụ trưởng này đã nhờ người quen đóng giả bệnh nhân đến bệnh viện VIMEC khám. Khi vừa vào, nhân viên bảo vệ hỏi bác có biết VIMEC là gì không? Nghe thấy điều đó, ông Khuê rất bức xúc vì bệnh nhân đến bệnh viện đã chữa bệnh, người ta không cần biết đến bệnh viện đó là của ai, bệnh viện gì. Ông Khuê cho rằng cần thay đổi từ thái độ của nhân viên bệnh viện từ bảo vệ cho đến khu điều trị.
Ông Khuê cho rằng chắc chắn điều chỉnh viện phí, khi đến bệnh viện bệnh nhân sẽ thành khách hàng. Sẽ không còn cảm giác ban ơn. Chính ông Khuê cũng nhiều lần đi kiểm tra các bệnh viện thấy cảnh bác sĩ đang khám bệnh, áo phanh ngực ra, nhiều bác sĩ cậy ở bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức rồi quần áo như cháo lòng, nhăn nhúm... ông đã chỉ đạo cắt thi đua. “Mình là bác sĩ phải ăn mặc đàng hoàng, lịch sự, áo phải cài khuya, nhìn thấy người bệnh phải cười niềm nở”.
Nói đến thu nhập của bác sĩ, PGS Khuê cho biết thực sự là thấp nên khi đó có nhiều bác sĩ giỏi phải chạy ra tư nhân làm. Có lần đi về tỉnh thăm cơ sở, giám đốc bệnh viện than thở rằng có bác sĩ nào được đi học sau đại học ra họ về tỉnh hay huyện làm được một vài tháng rồi lại xin nghỉ đi lên thành phố hoặc vào viện tư nhân vì thu nhập thấp.
Nếu không tính chi phí lương vào chi phí khám chữa bệnh thì thu nhập bác sĩ thấp, họ đành phải sinh ra các tệ nạn khác. Khi lương của bác sĩ do người khám bệnh trả thì các bệnh viện sẽ phải cân đối làm sao để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, hài lòng cho người bệnh đồng thời nâng cao sự hài lòng, đời sống của cán bộ. Bởi đã là quy luật cạnh tranh, sẽ có những bệnh viện có những chính sách tốt để “hút” bác sĩ giỏi.
Theo Infonet