Tất nhiên, ai cũng biết người Đức vốn tự hào và được công nhận về tính kỷ luật, ở mọi nơi. Fanfest được tổ chức rất tốt, nhà vệ sinh và sọt rác được đặt khắp nơi, đấy cũng là ấn tượng của tôi. Nhưng cũng ở đây, không thiếu cảnh người tạt vào những bụi rậm để “xả nỗi buồn”, lòng đường cũng đầy rác. Khác chăng, chẳng thấy ai hướng ống kính xuống đất chụp ảnh những đám rác ấy để hôm sau lên án cả.
Cuối tuần trước, cảnh những người dân trèo rào vào công viên nước ở Hà Nội đã khiến nhiều "nhà đạo đức" lên tiếng và rên rỉ, về sự tha hoá, xuống cấp, việc một số nhóm nam thanh niên trêu ghẹo các cô gái đã được nâng lên thành câu chuyện văn hoá ứng xử.
Mấy năm trước, ảnh những đám hoa tơi tả dọc đường Kim Mã, Hà Nội vì bị người xem diễu binh giẫm nát đã được nhiều báo đăng tải, như một minh chứng cho sự "xuống cấp văn hoá" khác. Những người chen chúc trong lễ hội hoa Hà Nội cũng đã được ban tặng không tiếc lời từ các nhà văn hoá và đạo đức.
Tôi nghĩ chúng ta đã chê nhầm chỗ.
Lỗi lớn nhất ở cuộc vượt rào và đám đông trêu chọc phụ nữ ở công viên nước tuần trước là chính người tổ chức sự kiện ấy. Công viên nước Hà Nội là cơ sở giải trí được thiết kế cho một số lượng người nhất định, việc tập trung một đám đông như vậy mà không có giải pháp nào cụ thể, rõ ràng là nguy hiểm, cho chính đám đông và cho chính cơ sở vật chất của họ.
Quản lý đám đông là một thành tố quan trọng của quản lý sự kiện, tâm lý học đám đông là một phần của khoa học tâm lý, bởi vì hành xử và tình cảm, chuẩn mực của con người trong bối cảnh của đám đông cũng rất khác với chính họ trong bối cảnh thông thường, chuẩn bị ứng phó, có kế hoạch quản lý với đám đông, là điều kiện bắt buộc đối với mọi sự kiện có đông người tham gia.
Công viên nước Hà Nội, ví dụ, đã có thể quản lý đám đông từ xa thông qua việc kiểm soát số người có ở bên trong cơ sở của họ, có thể dùng giải pháp đơn giản là đăng ký qua internet để nhận vé vào cửa miễn phí, thay vì để đám đông tự điều khiển và đi đến hỗn loạn. Trật tự cũng khó có thể tồn tại với số người lớn như vậy ở bên trong cơ sở của họ, vượt quá khả năng phục vụ và bảo đảm an toàn.
Tương tự như thế, việc dẫm hoa hay đái bậy ở các đám đông được đề cập trên kia, nên được nhìn nhận theo cách khác, là có kế hoạch để khắc phục nó ngay sau khi sự kiện diễn ra, chứ không phải cao giọng phê phán. Nếu định phê phán sự lộn xộn ở lễ hội hoa, hãy nói về người tổ chức, vì họ đã không tính đến tâm lý đám đông và không sẵn sàng cho việc quản lý đám đông ấy.
Phê phán và cao giọng chắc chắn là việc dễ dàng, nhất là khi mình tự đặt mình đứng trên cao của đám đông đầy lỗi lầm, nhưng việc cần làm, theo tôi, là hãy hiểu đám đông, và tự đặt ra những câu hỏi và giải pháp phù hợp, để quản lý đám đông ấy hiệu quả.
Theo Infonet