Bức ảnh “lạ” thời đạn bom

Thứ sáu, 24/04/2015, 16:47
Gần những trang cuối của cuốn sách ảnh “Ceux du nord” do nhiếp ảnh gia Pháp Patrich Chauvel thực hiện, người vừa đến Việt Nam trong cuộc triển lãm “Phóng viên chiến trường”, có một bức ảnh lạ về các chiến sĩ quân giải phóng băng qua đường hào đầy chông của nhà nhiếp ảnh có cái tên cũng rất lạ Trần Bỉnh Khuôl (1913-1968).

Theo nhà nhiếp ảnh Vũ An Khánh, một đồng đội của liệt sĩ Trần Bỉnh Khuôl, tác phẩm được chụp khoảng 1 giờ sáng ngày 9/9/1963 ghi lại hình ảnh những chiến sĩ giải phóng quân đang đưa vũ khí qua một chiến hào dày đặc chông cho trận công đồn chi khu Đầm Dơi (Cà Mau) đêm đó.

Nhà báo, liệt sĩ Trần Bỉnh Khuôl

Trước đó, bức ảnh này cũng đã xuất hiện trong cuốn sách ảnh về chiến tranh Việt Nam rất nổi tiếng “Hồi niệm” (Requiem) cùng hai tác phẩm khác trong chuỗi ảnh chụp cùng đêm đó của Trần Bỉnh Khuôl. Ông hy sinh ngày 12/12/1968 trên đường đi làm làm phóng sự ảnh về trận đánh ở Rạch Trui, Cái Tàu, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Con trai của liệt sĩ, ông Trần Thanh Phong (nguyên Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh An Giang), cho biết sau khi ông mất, phần lớn phim ảnh của ông cũng bị thất tán, số còn lại chỉ khoảng vài chụp bức, trong đó có những tác phẩm này.

Tác phẩm ảnh in tại cuốn sách “Ceux du nord” trong chùm ảnh tấn công chi khu Đầm Dơi

Những tác phẩm ít ỏi còn lại vẫn đủ sức ám ảnh lạ lùng, như miếng ghép làm hoàn thiện bộ ảnh chiến tranh của các nhà nhiếp ảnh cách mạng, đủ để những nhà nhiếp ảnh thế giới coi ông là một trong những phóng viên ảnh chiến tranh hàng đầu ở Việt Nam. Năm 1997, chuẩn bị cho việc ra sách ảnh “Hồi niệm” tại Nhật Bản, một đoàn làm phim tài liệu của hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) đã tìm về tận nơi ông hy sinh để tìm hiểu về con người mà họ rất khâm phục. Tôi có may mắn cùng họ trong chuyến đi ấy để biết thêm về cuộc đời một nhà nhiếp ảnh “lạ” ở Việt Nam.

Tác phẩm khác trong chùm ảnh tấn công chi khu Đầm Dơi của nhà báo Trần Bỉnh Khuôl đăng ở sách ảnh “Hồi Niệm”

Một điều khá thú vị là sau gần 30 năm, những người dân ở Rạch Trui (xã Cái Tàu, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) vẫn nhớ về ông. Họ nhớ về người cán bộ cách mạng lắm tài, từ chuyện giỏi võ thuật, vẽ rất đẹp, nặn tượng như sống, đặc biệt là khả năng vẽ truyền thần lại những người… đã mất.

Thời ấy, Rạch Trui tút sâu trong rừng U Minh rất ít ai biết đến cái máy ảnh, cũng rất ít nhà có cái ảnh người thân đã khuất để thờ. Ông vẽ người đã khuất theo người thân còn sống. Đại thể, anh chị em, con cháu, có điểm gì giống, vẽ rồi nhận xét, cứ thế để có bức chân dung hoàn chỉnh. Rồi nữa, ông vẽ ảnh Bác Hồ qua hình ảnh có trên những đồng tiền rất ít ỏi của miền Bắc đưa vào đến chiến khu U Minh.

Những bức vẽ vô giá với mỗi người nhưng cũng khiến ông gặp không ít phiền toái. Sự xuất hiện của chúng vô tình “chỉ” ra rằng, ở đây có cán bộ cách mạng, mà loại có cỡ. Không ít lần ông bị phê bình, kỷ luật vì cái tội “vẽ vời” ấy. Cố nhà báo Lê Châu từng kể: Mỗi lần bị kỷ luật ông gãi đầu nhận, nhưng rồi… không “chừa” được, có ai nhờ lại vẽ.

Tác phẩm khác trong chùm ảnh tấn công chi khu Đầm Dơi của nhà báo Trần Bỉnh Khuôl đăng ở sách ảnh “Hồi Niệm"

Xem ảnh của Trần Bỉnh Khuôl, có thể nhận thấy sự khác biệt khá rõ so với các phóng viên chiến tranh của ta, nó có hơi hướng gần với cách chụp của phóng viên phương Tây. Không lý giải được ông đến với phong cách này bằng con đường nào, cũng có thể đó là sự tự mày mò để tạo dựng cho mình con đường đi riêng biệt, khác với các đồng nghiệp cùng thời. Dù với con đường nào thì cuộc sống hôm nay cũng được lợi rất nhiều vì qua những bức ảnh ít ỏi còn lại của ông chúng ta biết thêm về cuộc sống, chiến đấu của những chiến sĩ cách mạng trong thời cực kỳ gian khó ấy.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo liệt sĩ Trần Bỉnh Khuôl, bút danh Hai Nhiếp sinh năm 1913, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Vợ ông là bà Lê Thị Nga, quê thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Nhà báo Trần Bỉnh Khuôl có tám người con. Trong đó có ba người con trai đã hy sinh trên chiến trường khi làm nhiệm vụ. Năm 2007 ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về nhiếp ảnh.

Theo ngaynay.vn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích