Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống: "Tôi thuộc về đất nước này"

Thứ ba, 28/04/2015, 16:20
Từ chối tương lai đầy hứa hẹn với những thành tích khoa học mà mình có thể đạt được nếu đi Anh, Mỹ... TS Nguyễn Thiện Tống trở về Việt Nam trong những giờ phút căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh.

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống tại Viện bảo tàng Hàng không-Seattle 2006.

Từ bỏ cơ hội tại Anh, Mỹ

Nếu gặp TS Nguyễn Thiện Tống ngoài đời, có lẽ mọi người sẽ đoán ngay ông là một người trí thức, nhưng chắc hẳn không nhiều người biết ông là một trong những người Việt Nam trẻ nhất được nhận bằng tiến sĩ (TS) tại Australia, một thạc sĩ của trường Havard danh tiếng, và cũng là một trong không nhiều nhà khoa học đầu ngành hiện nay về kỹ thuật hàng không.

Cuối năm 1965, ông cùng 25 sinh viên xuất sắc của miền Nam rời Sài Gòn đi du học tại Australia theo học bổng Colombo Plan (mỗi học bổng này được cấp trên 1 triệu dân ở miền Nam khi đó).

Ông chọn cho mình ngành Kỹ thuật Hàng không tại Viện Đại học Sydney – một trong những ngôi trường hàng đầu tại đất nước này. Sau 9 năm học và nghiên cứu, ông đã hoàn thành chương trình đại học và bảo vệ thành công luận án TS lúc 27 tuổi. Trong khi nhiều sinh viên du học tìm cho mình một nơi làm việc ở nước ngoài thì ông lại có quyết định khiến không ít người ngỡ ngàng là trở về Việt Nam.

"Khi biết ý định của tôi, vị giáo sư trực tiếp hướng dẫn luận án rất bất ngờ. Ban đầu ông còn tưởng tôi đã "chán" cuộc sống ở Úc sau những năm du học nên tỏ ý sẵn lòng viết thư giới thiệu tôi đến các nước khác như Anh, Mỹ... để tiếp tục nghiên cứu. Nhưng tôi vẫn giữ quyết định của mình", ông Tống kể lại.

Tuy vậy, cảm giác của ông Tống khi về nước vào tháng 7/1974 lại là sự "ớn lạnh" bởi "giấc mơ thanh bình" đã vỡ tan khi ông thấy những hố bom xuất hiện lỗ chỗ trên đồng ruộng, thấy binh lính đứng đầy sân bay Tân Sơn Nhất với súng ống, giáp trụ, xung quanh chằng chịt dây thép gai, máy bay quân sự. Nhưng mọi thứ rồi cũng "lắng dịu", và sau đó ông trở thành giảng viên của trường Đại học Kỹ Thuật (nay là Đại học Bách khoa TP.HCM).

Những ngày cuối tháng 4/1975, không khí tại Sài Gòn trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết. Các giáo sư, nhân viên của trường được thông báo đăng ký danh sách để chuẩn bị đi nước ngoài theo nguyện vọng. "Thấy mọi người như vậy, tôi đứng lặng bên cửa sổ rồi tự hỏi: "Trời, sao ai cũng đi hết vậy...", ông trầm ngâm nhớ lại.

Nhiều người khuyên ông rời khỏi Sài Gòn. Cuối tháng 4, những lời thúc giục này mỗi ngày một nhiều hơn, thậm chí có người bạn đã chuẩn bị chỗ cho ông trên máy bay nhưng ông vẫn từ chối, bởi: "Tôi quay trở về nên không nghĩ đến chuyện đi, dù có thế nào tôi cũng ở lại".

Ngày thống nhất đất nước đã đến, ngay chiều hôm đó ông đã có mặt tại Trường Đại học Kỹ Thuật để cùng một lãnh đạo khác của trường bàn giao hồ sơ, tài liệu cho Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định, rồi ông tiếp tục trở lại công việc giảng dạy sau đó. Tuy nhiên, như ông nói: "Những thời khắc khó khăn, thử thách nhất vẫn còn đang ở phía trước".

"Sau ngày đất nước thống nhất, kinh tế đi xuống, đời sống khó khăn đã làm cho nhiều người nảy sinh tâm lý tuyệt vọng", ông nhớ lại. Ngay cả gia đình ông lúc đó cũng rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn. Nhưng rồi quê hương vẫn níu chân ông ở lại. Và từ đó cho đến nay, mỗi khi có người hỏi: "Tại sao anh không đi?" thì tôi luôn trả lời: "Anh hãy hỏi tại sao tôi quay về...".

Người sáng lập khoa Kỹ thuật hàng không

Trong suốt 33 năm làm việc của mình, đóng góp lớn nhất của TS Tống đều thuộc về lĩnh vực giáo dục, từ việc một mình gánh vác trọng trách thành lập một bộ môn, đến việc xin hàng ngàn suất học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo vượt khó.

Vào năm 1995, khi đang làm việc cho Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam với mức lương 1.500 USD thì ông được Giáo sư Trương Minh Vệ - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đã đề nghị ông xây dựng kế hoạch thành lập Bộ môn Kỹ thuật hàng không.

Dù biết sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại vì quá mới mẻ, trong khi nhân lực rất ít nhưng ông vẫn đồng ý, bởi đây thực sự là mong muốn của ông trong nhiều năm trời và đúng với đam mê, trình độ ông đã bỏ công nghiên cứu nhiều năm.

Trong bốn tháng sau đó, ông vừa là người biên soạn chương trình, vừa là người kêu gọi bạn bè từ nước ngoài đóng góp, hỗ trợ tài liệu. Sau những nỗ lực của ông, đến tháng 4/1996 Bộ môn Kỹ thuật hàng không chính thức được thành lập, trong đó ông là Chủ nhiệm Bộ môn và cũng là thành viên duy nhất.

Đến tháng 9 cùng năm đó thì Bộ môn tuyển sinh đợt đầu tiên với đối tượng là sinh viên học năm thứ hai ở trường có mức điểm trung bình từ 7 trở lên. Dù khi đó trang thiết bị dạy học rất nghèo nàn nhưng cả sinh viên và các thầy cô đều cố gắng hết sức. Do thiếu các thiết bị đồng bộ nên mỗi khi thực hiện thí nghiệm, sinh viên được xem trên các băng video được bạn ông gửi từ nước ngoài về là chính.

Đánh giá về chất lượng đào tạo thời kỳ này, ông cho rằng khá tốt, bởi những sinh viên này khi đi du học đều hòa nhập rất nhanh và luôn nằm trong nhóm giỏi. Tuy vậy, điều nuối tiếc của ông là sau khi hoàn thành chương trình du học, đa số họ đều ở lại nước ngoài làm việc.

Không chỉ vậy, ông còn có biệt danh “chuyên gia vận động học bổng”. Biệt danh này xuất phát từ việc vào năm 1988, một số Việt kiều trong Hội Khoa học – Kỹ thuật gia Việt Nam tại Australia mong muốn giúp đỡ những học sinh nghèo tại Việt Nam bằng cách tặng các suất học bổng, nên đã nhờ ông đứng ra làm cầu nối.

Sau đó ông đã trao đổi cùng Báo Tuổi trẻ và cho ra đời chương trình “Vì ngày mai phát triển”. Từ những khởi đầu này, trong những năm sau đó chương trình đã phát triển rộng khắp với gần 20 ngàn học sinh – sinh viên được trao học bổng, hơn 200 phòng học, nhà lưu trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa được xây dựng.

Không chỉ có chương trình này, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2014, cứ mỗi khi đến mùa tuyển sinh ông lại cặm cụi viết email kêu gọi bạn bè cũng như các học trò nay đã thành danh ở khắp nơi tài trợ cho “Chương trình học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Thừa Thiên - Huế". Chỉ riêng trong năm 2014 chương trình này đã có được hơn 450 triệu đồng tiền tài trợ.

Bản thân ông là một người được du học và thành tài bằng học bổng Colombo Plan nên ông ý thức rất rõ tầm quan trọng cũng như những động lực, hy vọng mà các suất học bổng mang tới. Do vậy, trong hàng chục năm qua, ông đã bỏ ra nhiều công sức cho hoạt động này, mà như có lần ông nói, đó là để “trả lại ân tình cho thế hệ mai sau”.

Cuộc sống của ông chắc hẳn sẽ rẽ sang một hướng khác, tốt hơn rất nhiều nếu thay vì trở về ông quyết định ở lại. Nhưng với vai trò là người "kiến trúc sư trưởng" của ngành Kỹ thuật hàng không, và có những đóng góp không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam, ông phần nào đã thể hiện được những năng lực, và được làm theo ý nguyện của mình là trở thành một "người gieo hạt".

“Tôi thấy mình thuộc về gia đình, thuộc về đất nước sinh ra mình và không thể tự cướp mình khỏi quê hương để làm kẻ vong thân sống sung túc ở xứ người  được”, TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn