Thành tựu y học TP.HCM: Hàng loạt những ứng dụng nổi bật, hữu ích

Thứ ba, 28/04/2015, 08:34
Ứng dụng san hô điều trị viêm tai giữa, ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu, ghép tế bào gốc tạo máu… là những thành tựu y học nổi bật của TPHCM 40 năm qua.
Ứng dụng công nghệ Femtosecond laser trong phẫu thuật khúc xạ

Ứng dụng san hô điều trị viêm tai giữa

Việc ứng dụng san hô sinh học trong phẫu thuật đã mở ra một hướng mới trong điều trị bệnh viêm tai giữa đã được thực hiện ở Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM.

Trước đây, khi kỹ thuật điều trị chưa tiến bộ, chúng ta điều trị viêm tai giữa chủ yếu là mổ khoét bỏ bộ phận bị bệnh, để lại khoảng trống.

Cách này gây bất lợi cho người bệnh sau mổ như: thính lực giảm, ù tai, chóng mặt, phải đến bệnh viện thường xuyên để được chăm sóc. Từ năm 2009, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã phối hợp với Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bắt đầu ứng dụng dùng san hô sinh học VN trong phẫu thuật điều trị bệnh ở tai, đặc biệt là viêm tai giữa mạn tính Cholesteatoma (một dạng bệnh nặng) thường gặp ở VN.

Với sự thành công của nghiên cứu này, mỗi ca mổ, chi phí riêng cho san hô sinh học chỉ vài trăm ngàn đồng, thấp hơn rất nhiều so với dùng vật liệu ngoại nhập.

Hiện nay, Bệnh viện Tai Mũi Họng vẫn tiếp tục hợp tác với Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để làm ra keo sinh học tự thân (làm từ máu của người bệnh), dùng keo này để kết dính, định hình khối san hô ghép vào cơ thể tốt hơn, đẹp hơn... để đang hướng tới tái tạo tai giữa một thì, nghĩa là từ khâu mổ lấy bệnh tích, tái tạo cấu trúc đến phục hồi chức năng... làm cùng lúc trong một ca mổ, để giảm chi phí, thời gian đi lại cho người bệnh.

Hàng loạt ứng dụng trong chấn thương chỉnh hình

Đối với lĩnh vực can thiệp chấn thương, chỉnh hình, nổi bật có ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu, tạo hình sẹo bỏng, khuyết hổng mất da tại Viện Bỏng Lê Hữu Trác.

Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã áp dụng thành công kỹ thuật nong mạch điều trị bệnh mạch máu não và tủy sống.

Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, kỹ thuật vi phẫu đã được áp dụng giúp chuyển ghép xương mác, chuyển ngón chân lên bàn tay thay thế ngón tay cái, chuyển khớp ngón chân lên ngón tay và thay thế khớp khuỷu.

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp đặc biệt trong điều trị ung thư máu. Tháng 5.2013, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM đã công bố ca ghép tủy xương tạo máu - phương pháp điều trị các bệnh lý ung thư và ung thư máu - đầu tiên tại Việt Nam đã thành công

Tháng 7.2012, Bệnh viện Mắt TPHCM trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước ứng dụng công nghệ Femtosecond laser trong phẫu thuật khúc xạ. Đây là công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất trong điều trị nhãn khoa, lần đầu tiên được ứng dụng ở nước ta. Thành lập ngân hàng giác mạc hiện đại, thực hiện “quyền được nhìn thấy”, đẩy mạnh công tác chống mù lòa cho cộng đồng.

Ngoài ra, còn có một loạt các nghiên cứu, ứng dụng thành công khác như: Ứng dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết kết hợp lấy cục huyết khối bằng dụng cụ cơ học trong điều trị đột quỵ, can thiệp mạch máu não tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Nghiên cứu triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục cho các bệnh nhân tay chân miệng có suy đa tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Triển khai thành công kỹ thuật ghép gan trên trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong hoạt động giám định tại Trung tâm Pháp y.

Kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh tạo xương bất toàn (bệnh xương thủy tinh) tại Viện Y Dược học dân tộc.

Ứng dụng công nghệ gien sản xuất thành công nguyên liệu và thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C tại Công ty Sinh học Dược Nanogen - một điểm nhấn trong chương trình “Người Việt dùng thuốc Việt”.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích