ASEAN lo ngại hoạt động bồi đắp ồ ạt ở biển Đông

Thứ hai, 27/04/2015, 13:19
Trong các cuộc họp trù bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 26, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN hôm qua bày tỏ lo ngại về việc bồi đắp trên quy mô lớn các bãi đá ở biển Đông; cho rằng hành động này làm suy giảm lòng tin, gây căng thẳng ở khu vực...
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26, tối 26/4, tại Kuala Lampur, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Malaysia Najib Razak cùng phu nhân chủ trì. Trong ảnh: Các trưởng đoàn và phu nhân chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26, tối 26/4, tại Kuala Lampur, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Malaysia Najib Razak cùng phu nhân chủ trì. Trong ảnh: Các trưởng đoàn và phu nhân chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - an ninh ASEAN và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN được tổ chức ngày 26/4 tại Kuala Lumpur, Malaysia, để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các bộ trưởng đã trao đổi sâu rộng về tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, nhất là về các thách thức đang nổi lên đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về những hoạt động bồi đắp quy mô lớn tại các bãi  đá ở biển Đông làm thay đổi nguyên trạng, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), làm suy giảm lòng tin, gây căng thẳng ở khu vực.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng, đã đến lúc ASEAN “phải đứng lên vì lẽ phải”, trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động xây dựng đảo trong khu vực tranh chấp. “Chúng tôi cho rằng, nếu ASEAN không làm gì trước những hoạt động cải tạo này, vai trò trung tâm, tình đoàn kết và uy tín của ASEAN sẽ suy giảm”, báo Philippines Philstar dẫn lời ông Rosario.

Ngoại trưởng Philippines nói rằng, hoạt động cải tạo trên diện rộng của Trung Quốc sẽ làm suy giảm nguyên tắc pháp quyền. “Chúng tôi tin rằng, nếu những hoạt động cải tạo quy mô lớn được hoàn tất, người hàng xóm phương Bắc sẽ thành công trong việc xác định và áp đặt tuyên bố chủ quyền phi pháp trên hơn 85% diện tích biển Đông… ASEAN phải cho thế giới thấy rằng chúng ta phải hành động vì lợi ích chung”, Ngoại trưởng Philippines nói.

Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu bật việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông; đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc để thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là Điều 5 về tự kiềm chế và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Các bộ trưởng ngoại giao nhất trí với đề xuất này.

Các bộ trưởng ngoại giao cũng rà soát lại công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN, thống nhất về chương trình nghị sự, chương trình hoạt động và các văn kiện của Hội nghị để trình lãnh đạo cấp cao xem xét, thông qua.

Cải tiến bộ máy ASEAN

Chiều 26/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới Malaysia, bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 được tổ chức tại Kuala Lumpur và thành phố Langkawi từ ngày 26 đến 27/4. Phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, đoàn Việt Nam tham dự hội nghị lần này nhằm góp phần thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò quan trọng của ASEAN, nhất là trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Hội nghị cấp cao có chủ đề “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta” và xác định 8 nội dung ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2015 của Malaysia. Đó là: Chuẩn bị cho Cộng đồng ASEAN hình thành vào 31/12/2015; Hoàn tất soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015; Tăng cường thể chế ASEAN; Đưa người dân ASEAN xích lại gần nhau hơn; Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Mở rộng thương mại và đầu tư nội khối; Thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực; Tăng cường vai trò toàn cầu của ASEAN.

Lãnh đạo 10 nước ASEAN sẽ tập trung bàn phương hướng, biện pháp tiếp tục thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN 2015; xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015; cải tiến tổ chức bộ máy về lề lối làm việc; quan hệ đối ngoại của Hiệp hội; vai trò trung tâm của ASEAN; các thách thức đối với ASEAN và hướng xử lý và trao đổi tình hình khu vực, quốc tế.

Về xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, các bộ trưởng ngoại giao ngày 26/4 khẳng định quyết tâm tiếp tục thực hiện lộ trình xây dựng cộng đồng trên ba trụ cột, bảo đảm sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đúng hạn. Về xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, các bộ trưởng yêu cầu Nhóm Đặc trách cao cấp về xây dựng Tầm nhìn hoàn thành dự thảo Tầm nhìn và các kế hoạch triển khai, để trình lãnh đạo cấp cao xem xét thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 vào cuối năm nay.

Các bộ trưởng cũng nhất trí, ASEAN cần cải tiến bộ máy và cách thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, yêu cầu các trụ cột cần sớm triển khai các khuyến nghị của Nhóm Đặc trách về cải tiến và nâng cao năng lực của Ban thư ký ASEAN và các cơ quan ASEAN, tinh giản các cuộc họp, giảm các cơ chế không hiệu quả, cải tiến cách thức họp…

Chiều 26/4, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp song phương với bộ trưởng một số nước, trong đó có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong.

Theo Tiền phong

Các tin cũ hơn