Theo định nghĩa về tin nhắn rác được quy định trong luật, đó là những tin nhắn quảng cáo sản phẩm, dịch vụ mà người dùng không mong muốn nhận được. Đây cũng chính là sở cứ quan trọng để cơ quan quản lý và nhà mạng xây dựng tiêu chí nhận dạng "tin nhắn rác", trên cơ sở đó tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
"Tại sao nhà mạng không nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, dịch vụ chặn tin nhắn rác dành cho người dùng, cho phép người dùng được lựa chọn từ chối nhận tin quảng cáo? Người dùng có thể không dùng tới dịch vụ đó, nhưng đấy là lựa chọn chủ động của họ. Khi đã có công cụ trong tay nhưng không dùng thì người dùng sẽ không than phiền nữa", Thứ trưởng nêu quan điểm.
Nói cách khác, công cuộc chặn tin nhắn rác không phải là việc của riêng cơ quan quản lý hay doanh nghiệp. Trái lại, nó đòi hỏi trách nhiệm của cả ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp (nhà mạng, nhà quảng cáo) và bản thân người dùng. Nếu người dùng cứ phàn nàn về việc nhận tin nhắn rác nhưng không chịu tham gia vào quy trình chặn, không đăng ký từ chối nhận quảng cáo... thì nhà mạng và cơ quan quản lý sẽ rất bị động. "Các hệ thống của nhà mạng hiện nay chỉ có thể tự phán đoán đâu là tin nhắn rác rồi chặn, như thế thì sẽ có khả năng nhầm lẫn", Thứ trưởng giải thích.
Sau Chỉ thị 82 về chống tin nhắn rác được Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành cuối năm 2014, các nhà mạng đã triển khai hệ thống chặn spam, tuy nhiên, thực tế là mỗi doanh nghiệp đang chặn theo một cách thức khác nhau. Việc có một tiêu chí chung để xác định đâu là tin nhắn rác cần chặn, vì thế là rất cần thiết.
Đại diện Viettel cho biết, hệ thống VMSC của mạng này đang chặn tin nhắn theo tần suất, từ khóa với năng lực đáp ứng được 10 triệu thuê bao. Hệ thống này sẽ được đưa vào hoạt động kể từ tháng 6. Tương tự, hệ thống chặn của MobiFone có dung lượng 15 triệu thuê bao và cũng chặn được dựa trên tần suất, từ khóa, với danh sách các từ khóa được cập nhật liên tục. Về phần mình, VinaPhone đã áp dụng chặn cả tần suất lẫn cú pháp và đang "siết" dần tần suất, từ mức 60 tin nhắn/phút giảm xuống 30 tin/phút và đang hướng tới 10 tin/5 phút.
Có thể nói, sau mấy tháng đầu năm tạm lắng, hiện tượng tin nhắn rác lại có dấu hiệu tăng trở lại gần đây, chủ yếu vẫn tập trung vào các tin nhắn mua bán bất động sản và SIM số đẹp. Tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2015 của Bộ TT&TT hồi cuối tuần trước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh vấn nạn tin nhắn rác vẫn đang gây bức xúc trong xã hội, chứng tỏ việc quản lý "vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn".
Nhiều ý kiến bày tỏ hoài nghi về việc phải chăng nhà mạng bị ảnh hưởng lợi ích nên chưa làm thật sự mạnh tay, do vậy, Bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị liên quan của Bộ cần thực thi Nghị định 77, Thông tư 14 và thông tư 04 về "quản lý thuê bao trả trước, quản lý khuyến mại", đặc biệt là Chỉ thị 82 nghiêm túc hơn.
Theo Khám Phá