Quy trình sơ chế mía sơ sài |
Xét nghiệm 5 mẫu nước mía do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM lấy mẫu từ tháng 3 ở quận 8, Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận và Tân Bình cho thấy, không có vi khuẩn E.coli nhưng chứa nhiều vi khuẩn Coliforms, vi sinh vật hiếu khí và nấm men, nấm mốc.
Trung tâm Sắc ký Hải Đăng, nơi thường tiếp nhận các mẫu kiểm nghiệm, cho biết, mẫu nước mía lấy đầu tháng 6 cho kết quả đáng sợ: trong 1ml chứa hơn 200 nghìn vi khuẩn Coliforms, gần 500 nghìn vi sinh vật hiếu khí, hơn 18 nghìn bào tử nấm men, nấm mốc. Theo quy định của Bộ Y tế đối với các loại nước giải khát không cồn như nước mía, các tiêu chuẩn trên đều vượt hàng nghìn lần mức cho phép.
Sơ chế mất vệ sinh
Qua sự giới thiệu của một người bán nước mía tại đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), trong vai người có nhu cầu cần mua mía cây đã qua sơ chế để về kinh doanh, phóng viên tìm đến điểm chuyên sơ chế mía ở căn hộ nhỏ nằm ở tầng trệt thuộc chung cư Ấn Quang (phường 9, quận 10). Một người đàn ông tên Hùng cho biết, từ khi vào cao điểm mùa nắng nóng, hằng ngày, điểm sơ chế này cung ứng hơn 500kg mía đã qua sơ chế (gồm bóc sơ vỏ, cắt ngắn thành từng đoạn và bó lại thành bó) cho các điểm bán nước mía ở quận 10, quận 5, quận 11, quận 8,…
Tại điểm sơ chê, phóng viên không thấy người lao động nào có đồ bảo hộ đảm bảo vệ sinh. Công đoạn tách sơ vỏ mía được thực hiện bằng máy, chỉ có việc cho mía vào máy và lấy mía để cắt ngắn là dùng sức người. Vào thời điểm phóng viên ghi nhận, tại điểm sơ chế, một người đàn ông cởi trần vì nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, đang phì phèo khói thuốc và đưa thanh mía được bóc vỏ vào máy để cắt ngắn.
Những thanh mía được bỏ lên một tấm ni long cũ, nhàu nát. Dưới nền xi măng, sát chỗ những khúc mía được cắt ngắn là một con chó đang nằm, thỉnh thoảng vẫy đuôi, xù lông. Các đống mía vừa cắt xong, ruồi bu đầy. Thấy ánh mắt ái ngại của khách, ông Hùng trấn an: “Không sợ mất vệ sinh gì đâu, cậu đem mía về rửa kỹ lại là ép được thôi! Cậu mua bao nhiêu chúng tôi cũng cung ứng được hết. Nếu muốn được giao tận nơi thì cho tôi số điện thoại và địa chỉ, tôi cho xe chở đến nơi”.
Thùng đựng mía tại một quán nước mía |
Tại nhiều điểm bán nước mía được quảng cáo là “siêu sạch”, mía cây trước khi chế biến được đựng trong thùng nước bẩn không có nắp đậy hoặc được đậy sơ sài, xung quanh là bã mía chất đống, với cơ man ruồi, nhặng. Mỗi lần có khách mua, chủ quán nhấc một cây ra khỏi thùng, lau sơ qua rồi ép trên máy không được lau rửa sau mỗi lần sử dụng. Ly đựng nước mía cũng chỉ được tráng sơ sau mỗi lượt khách uống.
Nhiều chủ quán nước nói rằng, vệ sinh máy ép sau mỗi ngày là việc khó khăn và khó làm sạch hoàn toàn. “Tôi vẫn dùng nước lã để tráng rửa máy sau mỗi ngày ép để làm sạch. Rất khó để làm sạch máy hoàn toàn, vì kết cấu của máy có nhiều chi tiết kín”, một người kinh doanh nước mía nói.
Bà Vân, chủ quán nước mía ở quận 11, cho biết, hầu hết mía cây ở địa bàn đều lấy từ một vựa gần đó. Mía được cắt ngắn thành từng bó nhỏ khoảng 10 - 15kg và được chở tận nơi. Theo bà Vân, những ngày nắng nóng, bà bán được hơn 150 ly nước mía mỗi ngày.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, nói rằng, vi khuẩn dễ xâm nhập nước mía khi mía cây để ngoài trời không đảm bảo vệ sinh, để ở nơi ẩm thấp, bẩn. “Việc một số người bán nước mía còn dùng những vật dụng nhiễm vi sinh trong quá trình chế biến cũng là nguyên nhân khiến cho thứ nước giải khát này nhiễm khuẩn và gây hại cho sức khỏe người uống”, bác sĩ Mai nói. |
Theo Tiền Phong