Cuộc sống gia đình trên chiếc ghe 40 năm tuổi ở Sài Gòn

Chủ nhật, 21/06/2015, 11:17
Người cha mất một chân ngày ngày đạp xe đi bán vé số, mẹ bán nước bên vỉa hè, con gái 7 tuổi học lớp tình thương.

Chiếc ghe gỗ 40 năm tuổi mục nát là nơi ở của cả ba thành viên nhà ông Lê Văn Đực. Ông Đực, 55 tuổi, quê ở Bến Tre, chiến tranh đã cướp đi của ông chiếc chân trái và sự dẻo dai, khỏe khoắn. Thời bình ông về quê, không còn khỏe và vết thương hay hành hạ, ông làm nghề chài lưới ở các cửa biển ven sông. Cuộc sống ghe thuyền trôi nổi, ông và chiếc ghe độc mộc lênh đênh sông nước.

Ông gặp và nối duyên với bà Nguyễn Thị Vĩnh vào năm 1980 nhưng gần 20 năm sau đứa con gái mới chào đời. Cuộc sống chài lưới khó khăn, khi bé My ra đời,  họ quyết định dong thuyền tiến về thành phố tìm cơ hội cho đứa con nhỏ được biết ánh đèn đô thị.

Hai mẹ con bé My sinh hoạt trên chiếc ghe. Ảnh: Khánh Ly.

Chiếc ghe cũng là căn nhà nhỏ sau 2 ngày 2 đêm lướt qua biết bao kênh rạch tới Sài Gòn. Cô bé Diễm My, 7 tuổi, được ba mẹ gọi vui là nàng Út ở gốc bần bởi cô bé mở mắt chào đời là thấy bốn bề sông nước, những gốc cây um tùm. Chưa từng được sống trong những căn nhà nhà cứng cáp che nắng mưa, tuổi thơ cô bé là những giấc ngủ chập chờn đi tìm chỗ ráo để ngủ. Những hôm chạy mưa, mẹ ôm bé co ro trong cái lạnh giữa đêm Sài Gòn, thức dậy và không thể ngủ tiếp. Những đêm rắn rết bò vào góc lu làm cô bé khóc thét nhưng rồi dần quen.

Chiếc ghe của cả nhà đậu ở Cầu Rạch Bàn 2, đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 giữa lùm cây cối um tùm và tiếng côn trùng rả rích. Mỗi sáng ngước mắt là thấy tòa nhà chọc trời sừng sững trước mắt, cô bé My tròn xoe mắt hỏi mẹ: "Nhà đẹp đó ai ở vậy mẹ?". My đang học lớp 2 trường Tình thương ở quận 7. Lớp học được miễn học phí nên ba mẹ già cũng đỡ lo cho cô bé nhưng tương lai xa hơn thì họ còn lắm mơ hồ. Cô bé mơ ước lớn lên được làm bác sĩ đi bán thuốc.

Gia tài của người bố mang theo là chiếc xe đạp cũ ngày ngày đi bán vé số và chiếc radio cũ mèm loa rè để cập nhật tin tức thời sự. Thu nhập của gia đình đến từ việc bán vé số của người cha và quầy nước của mẹ. Thời gian gần đây sức khỏe người cha yếu đi, bữa bán được bữa không nên những chi phí sinh hoạt hằng ngày đều trông vào xe nước nhỏ của mẹ. Xe nước bán cho khách qua đường chỗ chân cầu mỗi ngày kiếm gần 70.000-80.000 đồng tiền lãi vừa đủ trang trải tiền gạo, tiền nước.

Người cha đi bán vé số kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: Khánh Ly.

Bà Vĩnh lo nhất là chi phí tiền nước sinh hoạt mỗi tháng ngót nghét 500.000 đồng. Mỗi khối nước được chở tới có giá 140.000 đồng, gia đình sử dụng trong vòng 10 ngày là hết. Giữa lòng đô thị nhộn nhịp, ánh đèn dầu tù mù giữa đêm yếu ớt là nơi sinh hoạt chung của gia đình nhỏ. Cô bé My đã quá quen với những bữa cơm muộn hay tập viết chữ bên ánh đèn dầu.

Có người Sài Gòn đi ngang biết được hoàn cảnh gia đình, đem đến bình ắc quy để gia đình thắp bóng đèn nhỏ. Người lạ cứ hai ba hôm lại chủ động ghé qua thay bình mới. Gia đình hỏi tên tuổi để cám ơn thì anh chỉ cười hiền: “Dạ, không có chi đâu chú ơi”. Tấm lòng người Sài Gòn san sẻ đôi khi là vài kg gạo, thùng mì tôm, vài chục nghìn là những tình cảm mà gia đình luôn ấm áp khi nghĩ về.

Hai vợ chồng nay đã lớn tuổi, niềm trăn trở nhất khi nghĩ về cô con gái còn quá nhỏ sẽ chưa đủ cứng cáp nếu một mai họ sớm lìa xa cuộc đời. Chiếc ghe gỗ mối mục chắc không kham nỗi qua mùa mưa năm nay, gia đình dự định dựng một túp lều nhỏ che mưa nắng. Nói về ước mơ lớn nhất, ông Đực trầm ngâm: “Cầu ông trời cho mình sức khỏe để làm ăn xóa đói giảm nghèo và nuôi bé My ăn học nên người”.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn