Ảnh minh họa |
Độc giả Nguyễn Đình Khải gửi đến Báo VnExpress nhờ tư vấn cách thức đòi lại số tiền đã vay từ ngân hàng rồi đưa cho bạn.
- Cách đây hơn một năm, tôi có đến ngân hàng vay cho cô bạn 160 triệu đồng. Số tiền này tôi phải cầm cố sổ đỏ tại quỹ Tín dụng với lãi suất 1,1% mỗi tháng. Cô ấy cam kết với tôi một năm sẽ trả hết cả gốc lẫn lãi (khi đưa tiền cho cô bạn không có giấy vay nợ, chỉ có giấy chuyển tiền vào tài khoản của cô ấy). Bây giờ đã quá hạn ngân hàng 3 tháng mà bạn tôi chỉ trả được 20 triệu. Cô ấy khất hết lần này đến lần khác nhưng vẫn không trả thêm. Vậy trong trường hợp này tôi phải làm gì để có thể lấy lại được số tiền trên để thanh toán cho ngân hàng.
- Trả lời vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Quang Tín và Luật sư Trần Viết Quân, Công ty Luật Tín và Tâm cho biết, qua nội dung trên, có thể thấy anh Khải và bạn đã có một thỏa thuận bằng lời về việc anh Khải với tư cách cá nhân ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng để vay số tiền 160 triệu cho cô bạn.
Dưới góc độ pháp luật, sự việc này hình thành hai quan hệ như sau. Trước hết là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và anh Khải thông qua hợp đồng tín dụng. Quan hệ thứ hai là việc vay tài sản giữa anh Khải và cô bạn thông qua hợp đồng vay tài sản. Mối quan hệ này chịu sự điều chỉnh trực tiếp của bộ luật dân sự, cụ thể là các quy định tại mục 4, Chương 18 về hợp đồng vay tài sản.
Vấn đề mà anh Khải đặt ra là phải làm gì để lấy được số tiền còn lại từ bạn để thanh toán cho ngân hàng khi đã quá hạn. Có thể thấy vấn đề này liên quan trực tiếp đến mối quan hệ tứ 2 vừa đề cập ở trên. Theo quy định tại điều 471, Bộ luật dân sự thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Điều 401 bộ luật này quy định về hình thức của hợp đồng dân sự có thể bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không qui định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Căn cứ vào các quy định trên thì hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân không bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản và cũng không bắt buộc phải được công chứng, chứng thực.
Đối chiếu với các nội dung mà anh Khải trình bày, cô bạn cũng không phủ nhận việc vay tài sản là tiền với anh Khải, bằng chứng là cô ấy đã trả 20 triệu đồng. Để đảm bảo sự rõ ràng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, anh Khải cần xác lập một văn bản mới với bạn về việc vay tiền và các nội dung liên quan (lãi suất, thời hạn). Văn bản này có thể được người thứ ba làm chứng hoặc xác nhận của chính quyền địa phương để làm nguồn chứng cứ về sau.
Trong trường hợp này, thỏa thuận giữa các bên đã hình thành và ràng buộc các bên thực hiện. Anh Khải đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao tiền, nhưng người bạn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả tiền. Và hành động này của cô bạn đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của anh Khải. Do đó, anh có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án ra Tòa án có thẩm quyền để buộc bạn trả tiền và lãi cho mình.
Tuy nhiên, anh Khải cần lưu ý hai vấn đề sau. Thứ nhất, vì anh là chủ thể của hợp đồng tín dụng nên các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng tín dụng sẽ ràng buộc với anh chứ không phải cô bạn. Do vậy, anh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với ngân hàng theo các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, không phụ thuộc vào việc cô bạn có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với anh hay không.
Thứ hai, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng vay tài sản là hai năm kể từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm (Điều 427 Bộ luật dân sự). Vì vậy, anh phải thực hiện quyền khởi kiện của mình trong thời hạn này.
Theo VNE