Taxi Uber bị tố 'trấn lột', 'quấy rối'

Thứ hai, 22/06/2015, 14:50
Được nhiều người ưa chuộng vì sự tiện lợi, giá cước phải chăng tuy nhiên sau một thời gian xuất hiện tại Việt Nam, do chưa có công cụ quản lý hữu hiệu, dịch vụ taxi Uber tiếp tục bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập mà phần thua thiệt luôn ở phía khách hàng.

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook, một người mẫu khá nổi tiếng ở TPHCM chia sẻ câu chuyện cô bị một lái xe taxi Uber trấn lột kèm theo một số hình ảnh xây xát trên thân thể. Do phải đi “show” gấp ở tỉnh và không muốn dư luận xì xầm, cô chọn một chiếc taxi Uber khá sang trọng và bị lái xe trấn lột dọc đường.

Không biết kêu ai


“Vì trời tối, hoảng quá nên tôi không nhớ biển số xe để báo công an. Thử gọi vào số điện thoại 0128 934… của hắn thì không liên lạc được” – cô kể.

Trên một số diễn đàn mạng, nhiều phụ nữ cũng chia sẻ chuyện bị các lái xe taxi Uber sàm sỡ, quấy rối. Có lái xe còn mở phim sex để “phục vụ thượng đế”. Nhiều người thề sống, thề chết không bao giờ chọn taxi Uber nữa dù giá có rẻ và xe có xịn đến đâu.

Anh Tuấn (trú tại khu phố 2, phường Phước Long B, quận 9, TPHCM) kể, anh đón một chiếc taxi Uber ra bến xe miền Tây. Giá thỏa thuận là 100.000 đồng. Sau khi xuống xe khoảng một tiếng, phát hiện mình bị rơi điện thoại iPhone 6 trên xe, anh mượn điện thoại người bạn gọi đến số máy của mình. Điện thoại đổ chuông, lái xe xác nhận anh đánh rơi máy và hứa sẽ quay lại trả điện thoại. “Tôi chờ hoài nhưng không thấy anh ta quay lại, gọi vào số máy của mình chỉ nghe “tò tí te”. 

Thanh tra Sở GTVT TPHCM kiểm tra, xử lý vi phạm của taxi Uber

“Tất cả các dữ liệu về lái xe taxi đều lưu trong điện thoại bị mất nên tôi không biết phải làm gì để đòi lại” – anh Tuấn cho biết.

Trong văn bản gửi Thanh tra Bộ GTVT, Sở GTVT TPHCM cho rằng dịch vụ Uber kinh doanh đa quốc gia nên được tổ chức tư vấn luật rất chặt chẽ và “khôn khéo”. Theo đó, hầu hết các “điều khoản về đối tác” và “điều khoản sử dụng” cũng như “thỏa thuận về hợp tác và hỗ trợ” đều đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân khi làm đối tác hay khách hàng.

Hầu hết những người đăng ký tham gia bắt buộc phải chọn đồng ý với các điều khoản như là một bước chuyển tiếp trong quá trình cài đặt phần mềm đăng ký tham gia. Các điều khoản nói trên quy định “được điều chỉnh và hiểu theo luật pháp của Hà Lan (nơi Uber đặt trụ sở). Khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại sẽ được đệ trình và xử lý tại tòa án có thẩm quyền tại Amsterdam, Hà Lan.

Theo thỏa thuận trên, trường hợp hành khách hay đối tác khiếu nại Uber thì phải nộp đơn đến tòa án ở… Hà Lan phân xử.

Bị thu hồi giấy phép vẫn hoạt động

Mới đây, Sở GTVT TPHCM thanh tra 9 doanh nghiệp (DN) vận tải có sử dụng phần mềm Uber tại TPHCM, xác định hầu hết đều không chấp hành đầy đủ các quy định và điều kiện về kinh doanh vận tải bằng ôtô theo Nghị định 86 của Bộ GTVT.

Hầu hết các DN đều không xuất trình danh sách phương tiện hoặc không cung cấp danh sách, số lượng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải (có sử dụng phần mềm Uber). Thanh tra Sở GTVT phát hiện Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận chuyển và Du lịch Minh Hải dù đã bị Sở GTVT thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải vào ngày 26/12/2014 nhưng tại thời điểm kiểm tra vẫn hoạt động ngành nghề vận tải.

Ngoài ra, hầu hết phương tiện của 9 DN này chưa được cấp phù hiệu và không thực hiện niêm yết các thông tin theo quy định. Uber thuê hẳn phương tiện hoặc quyền điều động phương tiện của DN (cho Uber thuê bằng hợp đồng điện tử hoặc hợp đồng miệng).

Trong quá trình thuê phương tiện, hoạt động kinh doanh vận tải của xe và lái xe do công ty Uber điều hành. Hành trình chạy xe cũng do công ty Uber quy định. Công ty Uber thực hiện nối kết với hành khách đi xe, điều hành lái xe, thực hiện vận tải hành khách thông qua hệ thống phần mềm nhưng không có hợp đồng vận tải với khách theo quy định.

Làm việc với cơ quan thanh tra, các DN cho biết giá cước của xe sử dụng phần mềm Uber do công ty Uber quy định. DN vận tải chỉ được hưởng 80% giá cước, còn lại 20% thuộc về công ty Uber.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết công tác kiểm tra xử lý sai phạm của xe taxi Uber gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ mới xử lý được một số phương tiện vi phạm nhưng sau đó bị đối phó bằng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ. Nhiều DN vi phạm không hợp tác và từ chối cung cấp thông tin liên quan đến Uber.

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, đến nay, lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp cảnh sát giao thông đã xử lý khoảng 100 trường hợp taxi Uber vi phạm.

Trong văn bản gửi Thanh tra Bộ GTVT, Sở GTVT TPHCM cho rằng dịch vụ Uber kinh doanh đa quốc gia nên được tổ chức tư vấn luật rất chặt chẽ và “khôn khéo”. Theo đó, hầu hết các “điều khoản về đối tác” và “điều khoản sử dụng” cũng như “thỏa thuận về hợp tác và hỗ trợ” đều đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân khi làm đối tác hay khách hàng.

Theo TiềnPhong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích