Sáng 18/7, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ động thổ gói thầu J3 dài 3,1km (thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) để xây cầu Phước Khánh nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đây được cho là hạng mục khó khăn, phức tạp nhất vì đi qua vùng đất yếu.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, JICA và đại diện Đại sứ quán Nhật Bản thực hiện nghi thức động thổ gói thầu J3. Ảnh: Hữu Công. |
Cầu Phước Khánh được thiết kế là cầu dây văng cao nhất nước, tĩnh không 55m, cho luồng hàng hải tàu biển cập cảng TP.HCM. Cầu rộng gần 22m cho bốn làn xe, trong giai đoạn một cho xe chạy vận tốc 80km/h và giai đoạn hoàn chỉnh là 100km/h.
Tổng số vốn xây dựng gói thầu này gần 3.500 tỷ đồng do Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) tài trợ. Công trình do liên danh Sumitomo - Cienco 4 thực hiện và dự kiến hoàn thành sau 42 tháng thi công.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án giao thông trọng điểm quốc gia thuộc 2.500km cao tốc đường bộ từ Bắc vào Nam đã được quy hoạch. Ông đề nghị các bên liên quan thực hiện gói thầu đúng tiến độ, đạt chất lượng và hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Phối cảnh cầu dây văng Phước Khánh. Ảnh: VEC. |
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua địa bàn TP.HCM, Đồng Nai và Long An khi hoàn thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM. Tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc - quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai Bến Đình và sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, dự án cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, 51 và rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua PhnomPenh, TP.HCM - Vũng Tàu.
Theo VnExpress