Rùng mình trong vùng dịch Phước Lộc: 'Cúng rồi chết sao được'

Chủ nhật, 19/07/2015, 11:34
Cơn mưa bất chợt, khiến núi rừng Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) âm u như những đôi mắt người dân sống giữa núi rừng hoang sơ, đang khiếp đảm vì bệnh dịch quái ác.
Giữa vùng dịch, người dân chỉ biết sợ, chẳng biết lo. Vi rút bạch hầu ủ bệnh lâu, đến ngày bùng phát là lúc những u mê rùng rợn của người dân tộc Bh`noong nơi đây trỗi dậy, lấn át mọi nỗi sợ hãi về bệnh tật, đau đớn và chết chóc.
Không tiêm chủng được vì xã chưa có điện
Phước Lộc mấy chục năm qua chưa có điện lưới, tuyến đường lên xã cũng mới hoàn thành được hơn năm nay, đã giúp Phước Lộc rút ngắn với miền xuôi, xóa đi cảnh cô lập mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch xã cho hay: Theo kế hoạch tới 2/9 này Phước Lộc sẽ có điện, nhưng cũng chỉ 2/5 thôn được thắp sáng mà thôi. Hy vọng, điện sẽ giúp soi sáng ý thức, dẫn lối người dân ra khỏi bóng tối u mê.
Ông Toàn từng là Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, được tăng cường lên đây gần 1 năm qua, sau sự vụ khiến chính quyền huyện Phước Sơn đau đầu khi chủ tịch xã lúc đó là ông Hồ Văn Hùng, người địa phương tự ý bỏ nhiệm sở để bồ bịch gái trai. Với ông chủ tịch xã trẻ tuổi này, để lãnh đạo một đội hình cán bộ xã mà chủ yếu là người địa phương thôi cũng đã là thử thách gian nan.
Phóng viên tác nghiệp trong vùng ổ dịch. Ảnh: Nguyễn Thành.
Ông Toàn kể rằng, vì không có điện nên việc tiêm chủng từ lâu ở đây không đảm bảo, thậm chí không thể thực hiện được, bởi vắc xin lên đây không có tủ lạnh làm sao bảo quản, ướp lạnh từ dưới huyện mang lên đến nơi cũng đã tan rồi. Trong khi đó, đối với người dân việc chữa bệnh, uống thuốc là điều dân làng rất tối kỵ.
Nhiều đợt, vận động khám bệnh rồi phát thuốc, nhưng dân làng mang thuốc về chỉ để… treo giàn bếp. Riêng việc kim tiêm thuốc chích vào người họ, tuyệt nhiên nhiều người không cho vì họ rất sợ. Bởi thế vắc xin có về đến nơi vận động tiêm phòng cho trẻ là cả một vấn đề nữa.
Nhiều người nhất quyết không cho con tiêm phòng. Dịch bệnh bùng phát cũng là điều dễ hiểu. Theo ông Toàn bùng phát dịch cả tỉnh, huyện và xã chung sức thì có thể dập, nhưng những hủ tục cúng bái lại là mối lo, nguy hiểm gấp mấy lần dịch bệnh kia.
“Bác sĩ từ huyện tăng cường lên, lập trạm dã chiến rồi ngày 2 lần đến từng nhà để thúc ép và kể cả “cưỡng chế” thì họ mới chịu uống thuốc. Đây là việc bất đắc dĩ nhưng phải làm để sớm dập dịch, cứu tính mạng của người dân trước. Nhưng tục lệ cúng bái, mê tín thì khó lắm, dù rằng đã huy động hết lực lượng vận động tuyên truyền. Cưỡng chế uống thuốc thì dễ nhưng nếp nghĩ, tiềm thức của họ làm sao cưỡng chế được”, ông Toàn lắc đầu.
Cháu bé Hồ Thị Đẩy, xanh xao yếu ớt vì dịch bệnh nhưng không được đưa đi chữa bệnh.
“Cúng rồi, chết sao được!”
Vào thôn 8A và 8B nơi ổ dịch bạch hầu bùng phát, dù đã tự phòng bị cho mình bằng những chiếc khẩu trang y tế dự phòng nhưng tôi vẫn nghe ớn lạnh, không phải vì sợ dịch bệnh mà vì cái cách người dân coi thường tính mạng của mình. Trong khi chính quyền địa phương gần như bất lực.
Trong âm u của chốn núi rừng, những đứa trẻ lem luốc bùn đất, nhìn khách lạ lẫm. Những đứa trẻ vô tội, hồn nhiên, chơi đùa mà đâu hay biết dịch bệnh đang đe dọa tính mạng dân làng mình. Ánh mắt đục ngầu, đờ đẫn của cháu bé Hồ Thị Đẩy, 2 tuổi, ám ảnh tôi. Sự u mê trong suy nghĩ, mê tín cúng bái của bố mẹ cháu và dân làng có thể sẽ cướp đi tính mạng của cháu bất cứ lúc nào.
Bố cháu bé, anh Hồ Văn Thiên hỏi chuyện thì miệng bảo thương con, ấy nhưng hôm cán bộ trên tỉnh, huyện và xã vào vận động đưa cháu ra bệnh viện để chữa trị vì cháu bệnh nặng, anh lại cầm dao dọa giết con nếu như cán bộ đưa cháu ra khỏi nhà. Cái lý của vợ chồng Thiên là con đang bị ma ám, nên phải cúng. Chính quyền cũng bó tay.
Mấy ngày sau, Thiên cúng thật, nhà nghèo rớt mồng tơi, miếng ăn không đủ, vậy mà vẫn vay mượn đủ 20 triệu để mua con trâu về làm lễ đâm. Xã biết, huyện biết nhưng cũng chịu bởi “phép nước thua lệ làng”. Bé Đẩy yếu ớt trên tay người mẹ. Gặp, chúng tôi khuyên, hai vợ chồng mang con đi xuống viện đi, không chết con tội nghiệp lắm. Thiên vẫn trả lời sắc lạnh như dao chém: “Cúng rồi. Chết sao được!”. Nghe rợn người.
Thôn 8B có 18 hộ mà có hơn 100 nhân khẩu, vào thôn thấy nheo nhóc trẻ con. Nhà nào cũng đông con. Cá biệt có hộ anh Hồ Văn Vói và Hồ Thị Trái có đến 10 người con. Hỏi chị Trái bao nhiêu tuổi? Chị lắc đầu: “Không biết”.
Những đứa trẻ lem luốc, hồn nhiên trong vùng ổ dịch, đa số chúng chưa được tiêm phòng vì quan niệm lạc hậu.
Theo lời dân làng thì hai vợ chồng thuộc diện… tảo hôn, nay con gái lớn đã có chồng, hai đứa con út còn đang nheo nhóc. Cả nhà nghèo rớt mồng tơi và gần như có triệu chứng bệnh đau cổ, rát họng như 3 người dân trong thôn đã chết. Ấy nhưng, họ vẫn bàng quan một cách đáng sợ. Cán bộ y tế vào “cưỡng chế” thì uống thuốc, còn không thì thôi. Suy nghĩ của chị Trái nghe nổi da gà: đông con, chết đứa này có đứa khác.
Những ngày ở Phước Lộc, chúng tôi nghe dân làng và nhiều cán bộ xã kể câu chuyện huyền bí và rùng rợn về hai ngôi làng này khi họ nhất quyết đòi di dời về nơi ở hiện tại. Sự việc xảy ra vào năm 2013, khi ở thôn 8B liên tiếp có 4 trẻ em chết. Dạo đó, dân làng tổ chức cúng bái linh đình. Họ bảo rằng đây là “vùng đất xấu” và đã bị nguyền nên phải bỏ đi.
Theo dân làng 8B, người ra lời nguyền chính là bà Hồ Thị Liên sống ở thôn 8A. Bởi trước đó, bà Liên có một bụi mía gần thôn 8B, liên tục bị trẻ con bẻ trộm, bà Liên chửi bới om sòm và làm lễ cúng ngải, rồi mang một thứ bột rải khắp làng và trù ẻo dân làng thôn 8B. Trưởng thôn biết chuyện, báo chính quyền nhưng bà Liên chối.
Sau đó, trong thôn liên tiếp có trẻ em chết, dân làng đổ cho bà Liên rồi tứ tán bỏ đi vì sợ. Lần đó, đích thân lãnh đạo huyện đến từng nhà kêu gọi, nhưng người dân một mực đòi huyện phải yêu cầu bà Liên cúng một con heo đen, giải lời nguyền độc họ mới về. Huyện đành phải mua heo đen, nhưng lại không thuyết phục được bà Liên cúng giải nguyền. Cuối cùng, huyện phải đầu tư hơn 600 triệu, san ủi mặt bằng, hỗ trợ mỗi hộ 16 triệu đồng để di dời về nơi ở mới hiện nay.
Thoát “vùng đất xấu” chưa được bao lâu, dịch bệnh bùng phát, khiến dân làng lại hoang mang. Chính quyền xã bở hơi tai vận động. Và chưa ai dám chắc rằng, dân làng sẽ không bỏ làng mà đi? Chuyện ở Phước Lộc lại nhớ đến làng Bút Tưa ở huyện Đông Giang, nơi người đồng bào Cơ Tu đập bỏ nhà đi vì cho rằng làng ma áp vào tháng 2/2014.
Bút Tưa không xa xôi hẻo lánh, hoang vu như thôn 8A, 8B xã Phước Lộc. Đường sá, điện lưới đã đủ lại nằm gần trung tâm, chỉ tụt dốc Kiền là đến thành phố Đà Nẵng, ấy nhưng mê tín, ám ảnh ma quỷ vẫn còn. Và khi nỗi ám ảnh trỗi dậy họ đã tự tay mình đập phá những căn nhà kiên cố sau mấy chục năm xây dựng để bỏ đi nơi khác không thương tiếc. Đến giờ, người ngoài chẳng ai giải thích được lý do!
Theo VTCNews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích